Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường

Sáng nay (26/4), Diễn đàn Kinh tế tư nhân với chủ đề “Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội” do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 sáng 26.4

Tham dự Diễn đàn kinh tế tư nhân sáng nay có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; ông Trương Đình Tuyển nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại; ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư...

Tham luận tại diễn đàn, nhiều đại biểu đều cho rằng, giai đoạn vừa qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc nhưng thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá cho thấy kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nội lực của kinh tế tư nhân còn yếu. Kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 7,54%/năm). Có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập, có đến 81% tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân sáng nay 26.4

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại của kinh tế tư nhân diễn ra ngày càng tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nguyên nhân là do thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chưa tạo ra những bước đột phá trong đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế tư nhân và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phát triển nhanh, vững chắc kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của một số cấp ủy về phát triển kinh tế tư nhân trong một số trường hợp còn thiếu nhất quán, có lúc, có nơi chưa nhìn nhận, đánh giá đúng mức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nhân tư nhân còn chưa cao.

Coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời, cần chăm lo phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao.

Các đại biểu tham dự diễn đàn đã trao đổi thảo luận cởi mở để thống nhất đưa ra các ý kiến đóng góp cho Hội nghị Trung ương năm sắp tới về phát triển kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

PV

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tai-chinh/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-lanh-manh-theo-co-che-thi-truong-d111548.html