Phát triển kinh tế số - động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động

Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vấn đề này tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, ngày hôm nay (11/12).

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Người thực hiện phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành nên sự phát triển chuyển đổi số ở Việt Nam rất chậm.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát triển ứng dụng số cho các ngành cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Do vậy, ông Hùng cho rằng, các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Đây chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, đây là dịp để nhìn lại hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số và lan tỏa tới xã hội nhận thức về chuyển đổi số. Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp số thể hiện vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo; khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này mang tới sự thay đổi lớn để Việt Nam có sản phẩm khác biệt, của riêng Việt Nam.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc phát triển sản phẩm ở các quốc gia phát triển có thể giúp Việt Nam giải bài toán về kinh tế, nhưng sâu xa hơn là học hỏi mô hình về quản trị, giao dịch. Phó Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, để cùng nhau đi và cùng nhau đến, hoàn thành được mục tiêu chuyển đổi số.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực và là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường, thịnh vượng”.

Tại Diễn đàn, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023 cho 43 sản phẩm thuộc 5 hạng mục: Sản phẩm công nghệ số tiềm năng, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Xã hội số, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Kinh tế số, Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Chính phủ số.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023.

Trong đó, có một số sản phẩm công nghệ số đáng chú ý là: Hệ thống Kiểm soát tải trọng xe tự động eWIM; Nền tảng hậu cần GHTK APP; Nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia VTVgo, hay Nền tảng công nghệ tuyển dụng Joboko của Công ty Cổ phần Joboko Toàn cầu theo phương châm “việc tức thì”, “săn job hot” qua 4 năm hoạt động đã thu hút hơn 2,2 triệu hồ sơ ứng viên, với hơn 35.000 ứng viên truy cập vào Nền tảng hàng ngày để tìm kiếm công việc theo mức lương, công ty yêu thích; hỗ trợ tuyển dụng cho hơn 150.000 doanh nghiệp. Với sự nỗ lực của mình, Joboko đã được ghi nhận bởi nhiều giải thưởng uy tín, trở thành một trong những nền tảng tuyển dụng hàng đầu ở Việt Nam (theo số liệu tháng 10/2023 từ similarweb, Nền tảng nằm trong Top 10)...

Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam là giải thưởng thường niên quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin do Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và trao tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam.

Đồng thời, nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2023 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài. Do vậy, Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023 cũng tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc đã thành công tại thị trường quốc tế, đồng thời khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khát khao chinh phục thế giới.

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/phat-trien-kinh-te-so-dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te-va-nang-suat-lao-dong-150260.html