Phát triển kinh tế hộ gia đình: Liên kết cùng sản xuất

Phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn giúp tạo thu nhập bền vững cho mỗi thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn vì các hộ chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Trước thực tế đó, các cấp chính quyền, ngành, tổ chức hội đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ.

Nhiều hộ thu nhập cao

Phát triển kinh tế hộ gia đình được coi là mắt xích quan trọng trong bài toán giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tìm hiểu ở xã Ngọc Châu (Tân Yên), toàn xã có gần 2 nghìn hộ. Trong đó, hơn 340 hộ phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; khoảng 100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại.

Nhiều hộ gia đình ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) phát triển nghề làm mỳ.

Hộ ông Đào Tiến Sang ở thôn Khánh Ninh là một trong các hộ có thu nhập cao. Trang trại lợn của gia đình ông nuôi hơn 12 nghìn con/năm (quy mô lớn nhất tỉnh). Để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, bảo vệ môi trường, ông chú trọng chăn nuôi, phòng bệnh đúng kỹ thuật; xây dựng hầm biogas xử lý chất thải. Trung bình mỗi năm, gia đình lãi 5-7 tỷ đồng.

Đến nay, ông Sang có hơn 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi, con gái ông cũng tiếp nối, lựa chọn chăn nuôi lợn quy mô trang trại để làm giàu. Ông Ngô Tân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu cho biết, xã Ngọc Châu hôm nay có diện mạo mới, nhiều nhà cao tầng khang trang; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 1,95%, giảm 0,94% so với cùng kỳ năm 2022... Có kết quả này nhờ đóng góp không nhỏ của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi.

Thống kê của Hội Nông dân tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 103 nghìn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm khoảng 40% tổng số hộ nông dân trong toàn tỉnh. Trong đó, 2-3 nghìn hộ thu nhập từ 500 triệu đồng-1 tỷ đồng/năm; 300-500 hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm...

Thống kê của Hội Nông dân tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 103 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm khoảng 40% tổng số hộ nông dân trong toàn tỉnh. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Chiếm, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm từ mô hình trồng cây ăn quả; hộ ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm từ chăn nuôi lợn; gia đình ông Nguyễn Hữu Quý, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) chăn nuôi gà, mỗi năm thu nhập khoảng 2 tỷ đồng…

Nhìn chung, các hộ đều quan tâm lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế vùng miền; tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, phương thức canh tác tiên tiến, hiện đại. Nhiều cá nhân mạnh dạn đứng ra thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Kinh tế phát triển là điều kiện để người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tham gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, hàng nghìn hộ trong toàn tỉnh đóng góp hơn 6,7 tỷ đồng, hơn 12 nghìn ngày công xây dựng đường giao thông; hỗ trợ hơn 1 nghìn hộ khó khăn về cây, con giống để vươn lên thoát nghèo (trị giá gần 7 tỷ đồng)…

Nhà nước đồng hành

Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, mỗi hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn mô hình nông hộ có quy mô nhỏ; quá trình sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời tiết, dịch bệnh, thiếu vốn, kỹ thuật. Nhiều hộ muốn mở rộng quy mô sản xuất để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, phục vụ chế biến song thiếu quỹ đất; thiếu kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, hạch toán kinh doanh, tác phong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp. Sản xuất còn tình trạng chạy theo phong trào, chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường, nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm.…

Nhiều hộ gia đình ở xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) phát triển kinh tế từ sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ.

Ngay cả những hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và T.Ư cũng thừa nhận gặp không ít khó khăn. Chị Nguyễn Thị Mai, thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) chuyên trồng, kinh doanh cây công trình, mỗi năm lãi 1-2 tỷ đồng, là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Chị nói: “Năm nay, giá trung bình mỗi cây công trình có đường kính khoảng 5-8 cm đều giảm từ 30-50% so với những năm trước. Một phần nguyên nhân do trên thị trường bán nhiều giống cây tương tự với giá cạnh tranh, trong khi chất lượng có thể chưa tương xứng. Để duy trì, phát triển sản xuất, tôi trồng thêm một số giống cây mới nhưng bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên chậm phát triển”.

Để hỗ trợ kinh tế nông hộ nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách phát triển hạ tầng giao thông; hỗ trợ vay vốn; mở rộng vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nhân lực… HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì, hỗ trợ kinh phí in ấn; đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Kinh tế hộ thường sản xuất riêng lẻ, manh mún nên một giải pháp quan trọng đã và đang được các cấp, ngành, tổ chức hội thực hiện là hướng dẫn, vận động các hộ tham gia vào tổ hợp tác, HTX. Được biết, từ khi UBND tỉnh ban hành Đề án "Xây dựng tổ hợp tác, tạo tiền đề phát triển thành HTX trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025", HND các cấp đã hướng dẫn thành lập 33 HTX, 62 tổ hợp tác từng bước hoạt động có hiệu quả (tổng số HTX thành lập mới năm 2023 trong toàn tỉnh là 92, nâng tổng số HTX hiện có là hơn 1.100).

Ông Nông Văn Tân, Phó Giám đốc HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động cho biết: "Giữa năm 2023, tổ sản xuất hương truyền thống Bồng Am trên địa bàn xã Tuấn Đạo được sáp nhập vào HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm hương các loại có thêm thị trường mới là tỉnh Nghệ An. Đơn vị cũng đang hoàn tất các thủ tục để đăng ký chứng nhận OCOP 3 sao đối với hương nến".

Phát triển kinh tế rất cần vốn, theo đó, tỉnh, T.Ư quan tâm mở rộng hơn nữa chương trình cho vay vốn thông qua quỹ hỗ trợ, ngân hàng chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế. Khi có vốn, các hộ xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý, đem lại hiệu quả cao nhất. Thực tế, nhiều hộ được hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, sản xuất ổn định, đóng góp vào phát triển KT-XH địa phương.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/420225/phat-trien-kinh-te-ho-gia-dinh-lien-ket-cung-san-xuat.html