Phát triển khoa học, công nghệ góp phần tăng trưởng KT – XH của tỉnh

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể phát triển kinh tế, trong đó xác định “Xây dựng chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phù hợp với điều kiện của tỉnh, thích ứng với cuộc cách mạng lần thứ tư. Tăng cường liên kết các tổ chức KH&CN với các doanh nghiệp; khuyến khích tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật”. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở KH&CN luôn bám sát chỉ đạo của tỉnh và triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào đời sống, sản xuất.

Người tiêu dùng quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam Vàng Hà Giang. Ảnh: VL

KH&CN được Đảng và Nhà nước xác định là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với tỉnh ta, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các huyện, thành phố, hoạt động KH&CN đã có nhiều nỗ lực, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, đóng góp quan trọng cho phát triển KT - XH. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học có nhiều đổi mới, bám sát 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nghị quyết chuyên đề của tỉnh để tham mưu định hướng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về KH&CN.

Trên cơ sở đó, Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt triển khai, thực hiện 51 nhiệm vụ. Từ năm 2020 - 2023, Sở tham mưu UBND tỉnh đặt hàng và được Bộ KH&CN tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt 9 nhiệm vụ thuộc các chương trình cấp quốc gia. Qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đã có 17 quy trình kỹ thuật công nghệ được nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu của tỉnh. 68 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật được đưa vào sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, góp phần tích cực thực hiện 5 Chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Bên cạnh đó, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ tri thức của tỉnh được đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó huy động được gần 100 lượt cán bộ tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

Sở KH&CN nghiệm thu dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau. Ảnh: CTV

Các nhiệm vụ KH&CN triển khai theo hướng phục vụ cho việc phát triển, nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Chè Shan tuyết, dược liệu, bò Vàng, phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin... Điển hình như: Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết gắn với phát triển du lịch. Nghiên cứu công nghệ sinh sản phối giống chủ động nhằm cải tạo và nhân nhanh đàn bò Vàng vùng Cao nguyên đá... Từ đó, có nhiều quy trình công nghệ sản xuất được nghiên cứu, chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp, HTX ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm của địa phương như: Chuyển giao thành công cho Công ty cổ phần nông, lâm nghiệp & Môi trường chi nhánh Hà Giang làm chủ 3 quy trình (Nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt; nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên các ký chủ theo hình thức bán tự nhiên; sơ chế và bảo quản nấm Đông trùng hạ thảo); xây dựng 2 mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên các ký chủ khác nhau với quy mô 10.000 con/năm. Ngoài ra, có quy trình sản xuất tinh bột chuối của HTX Bản Tùy; quy trình sản xuất các sản phẩm làm đẹp từ vỏ quả chè Shan tuyết của Công ty TNHH Thành Sơn đang được các đơn vị triển khai và xây dựng thành thương hiệu đặc trưng của Hà Giang... Các mô hình nhà nông làm du lịch, du lịch cộng đồng được các địa phương nhân rộng hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông, đến nay toàn tỉnh đã có 8 sản phẩm của địa phương được Bộ KH&CN cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, 14 nhãn hiệu chứng nhận; 3 nhãn hiệu tập thể và 135 nhãn hiệu thông thường. Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân... Thời gian tới, Sở KH&CN xác định tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết những vấn đề KH&CN tại địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất và đời sống nhằm thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.

Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202312/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-gop-phan-tang-truong-kt-xh-cua-tinh-6064634/