Phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn trong nuôi thủy sản

Rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ, chóng xói lở bờ biển; mà còn được ví như một 'lá phổi xanh' thanh lọc nguồn nước, môi trường... đặc biệt là trong những vùng nuôi tôm trước tình trạng nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh….

Nông dân Phạm Văn Giang bên mô hình rừng - thủy sản cho thu nhập 30 - 40 triệu đồng/năm.

Hiện nay, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở Trà Vinh được trồng mới và bảo vệ tốt, đã góp phần làm ổn định, bền vững cho hệ sinh thái dưới tán rừng phát triển gắn với khai thác nguồn lợi thủy sản và người nuôi thủy sản có thu nhập ổn định, hạn chế thấp các rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Thông tin từ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, các địa phương vùng ven biển đã đưa công tác trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng được tiến hành thực hiện thường xuyên và có hiệu quả, diện tích rừng ngày càng mở rộng; hệ thống rừng phòng hộ ngập mặn ven biển được phục hồi.

Từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng mới và trồng bổ sung được 153ha rừng tập trung, nâng tổng diện tích rừng phòng hộ toàn tỉnh ước đến cuối năm 2023 đạt 9.600ha; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 4,1%, tăng hơn 0,15% so với năm 2020; ngoài ra, các địa phương còn trồng mới 492.000 cây phân tán; góp phần hạn chế xói lở, chắn gió, bảo vệ bờ biển, ổn định môi trường sinh thái cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với diện tích rừng sản xuất của các địa phương vùng ven biển như huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải người dân được nhận giao khoán bảo vệ rừng và kết hợp với khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng gắn với nuôi thủy sản quảng canh (rừng - thủy sản...). Trong 9.600ha rừng, có trên 5.400ha rừng phòng hộ, gần 3.800ha rừng sản xuất và trên 377ha rừng trồng nằm ngoài quy hoạch.

Đồng chí Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: ý thức cộng đồng rất cao về trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành lá chắn xanh, tăng cường khả năng ứng phó cho cộng đồng ven biển trước những tác động của thiên tai. Trong này, huyện đã tập trung quy hoạch phát triển nuôi tôm sinh thái tại khu bảo tồn rừng đước ngập mặn xã Long Khánh khoảng 800ha; rừng bần ven bãi bồi biển khu vực vàm Rạch Cỏ (ấp La Ghi, xã Long Vĩnh) khoảng 500ha sẽ phát triển thủy sản gắn với du lịch sinh thái…

Trong sản xuất, rừng còn góp phần ổn định và phát triển đa dạng hệ sinh thái dưới tán rừng, tạo điều kiện cho người dân kết hợp hài hòa trong bảo vệ rừng và khai thác, nuôi thủy sản; ổn định kinh tế cho người dân vùng ven biển qua phát triển nuôi thủy sản mang tính bền vững, kiểm soát và hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nguồn nước do nuôi tôm thải ra…

Nông dân Phạm Văn Giang, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết: trong nuôi tôm thả lang (còn gọi nuôi quảng canh), gia đình có diện tích nuôi thủy sản khoảng 03ha, trong đó có khoảng 01ha là diện tích rừng. Với mô hình nuôi thả lang, mỗi năm gia đình đầu tư vào khoảng 10 triệu đồng để mua 50.000 con tôm giống và 20.000 con cua giống; bình quân mỗi năm thu về khoảng 30 - 40 triệu đồng.

Huyện Duyên Hải hiện là địa phương có diện tích rừng lớn nhất với hơn 5.100ha (2.413ha rừng phòng hộ và 2.738ha rừng sản xuất), tập trung nhiều ở 03 xã Đông Hải, Long Vĩnh và Long Khánh.

Cũng theo nông dân Phạm Văn Giang, với việc phát triển diện tích rừng kết hợp trong vuông tôm theo tỷ lệ (tôm/rừng) 04/06 hay 05/05 sẽ có hiệu quả rất cao như giúp môi trường nuôi (nguồn nước, nhiệt độ...) được ổn định; giảm ô nhiễm do các chất thải từ nuôi tôm công nghiệp thải ra môi trường; cũng như tạo bóng râm cho nơi trú ẩn của các loài thủy sản dưới tán rừng... Hiện nay, người nuôi tôm quảng canh luôn duy trì diện tích rừng phù hợp và nhiều khu vực, người dân còn tự trồng dặm thêm cây rừng như đước để tạo bóng rậm cho tôm và giảm nắng nóng.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/phat-trien-he-sinh-thai-rung-ngap-man-trong-nuoi-thuy-san-30776.html