Phát triển du lịch xứng với tiềm năng

Sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng đã tạo nên một TP Thanh Hóa có bản sắc riêng, nổi trội. Đây thực sự là tiềm năng, thế mạnh to lớn để TP Thanh Hóa phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác nhau, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thành phố.

TP Thanh Hóa tổ chức lễ hội khinh khí cầu.

Nằm ở trung tâm đồng bằng của cả tỉnh, TP Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng với nền văn hóa cổ xưa, nơi đây còn được biết đến với hệ thống danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng. Trải dọc hai bên bờ sông Mã oai hùng là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng mạc trù phú với nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị như đền Cô Bơ, Núi Đọ, Tượng đài tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã... Ở phía Bắc thành phố có Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng với nhiều núi non, hang động và nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa tiêu biểu như Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Hòa quyện với nền văn hóa cổ, thành phố còn có khoảng 232 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hệ thống danh lam thắng cảnh của TP Thanh Hóa luôn mang nét đặc sắc riêng, bởi sự hài hòa giữa tự nhiên với truyền thống lịch sử, văn hóa.

Để tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, ngày 15-1-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thanh Hóa đã ban hành “Chương trình phát triển du lịch TP Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2030”. Xác định công tác quy hoạch cần phải “đi trước mở đường” để dẫn dắt quá trình phát triển, thành phố đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện các quy hoạch, quản lý quy hoạch về phát triển du lịch. Trong nửa nhiệm kỳ qua, đã có 10 dự án về du lịch được phê duyệt bao gồm: Quy hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía tây Bắc TP Thanh Hóa; Khu du lịch phía Bắc hồ Kim Quy thuộc Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng; dự án cải tạo Công viên văn hóa Hội An; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố và 6 dự án về di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp do UBND phường, xã làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch, du lịch thành phố sẽ phát triển theo hướng du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch hội nghị, hội thảo... gắn với bảo tồn các giá trị thiên nhiên và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch TP Thanh Hóa. Để quảng bá rộng rãi về các sản phẩm du lịch này, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch để tìm đối tác kinh doanh, đầu tư. Theo đó, thành phố đã tham gia hội chợ du lịch quốc tế, hội nghị xúc tiến du lịch, tổ chức đón đoàn famtrip... để giới thiệu tiềm năng thế mạnh của địa phương. Hằng năm thành phố đã tổ chức thành công “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An”, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp của 2 thành phố, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia và trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các vùng miền. Đặc biệt, hiện nay thành phố đang triển khai đầu tư các hạng mục về du lịch thông minh như: hệ thống cơ sở dữ liệu số 3D văn hóa - du lịch TP Thanh Hóa; cổng thông tin và ứng dụng (apps) du lịch thông minh; dịch vụ chatbot trả lời tự động; phần mềm bản đồ số tương tác 3D du lịch TP Thanh Hóa; hệ thống quảng bá, tổ chức sự kiện, triển lãm, trực tuyến 3D và sàn thương mại điện tử sản phẩm du lịch, đặc trưng địa phương. Ngoài ra, hầu hết các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch... đều có trang fanpage, kênh bán hàng trực tuyến. Các sản phẩm sẽ được mô tả đầy đủ bằng video, hình ảnh, âm thanh, các thông tin cần thiết về địa điểm, phong cảnh, dịch vụ, các loại phòng, các món ăn và giá cả, các chương trình khuyến mại... để khách hàng dễ dàng tham khảo và lựa chọn.

Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch được thành phố rất chú trọng. Nửa nhiệm kỳ qua, ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ 64,7 tỷ đồng cho một số dự án lớn, ngân sách thành phố đã đầu tư gần 260 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại công trường đắp đê sông Mã; cải tạo, nâng cấp công viên Hội An (dự kiến khởi công tháng 11-2023); xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch, chỉnh trang đô thị, trang trí đèn, điện chiếu sáng... Thành phố cũng đã huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo 6 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng phục vụ phát triển du lịch với tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa gần 130 tỷ đồng. Một số dự án như Khu di tích, danh thắng chùa Đại Bi, Khu trang trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, Trung tâm văn hóa thể thao Trường Thi, chùa Đông Sơn, tu bổ, cải tạo hạ tầng kỹ thuật và xây dựng điểm đón tiếp, tham quan du lịch tại Cầu Hàm Rồng và Động Long Quang; xây dựng phương án khai thác và vận hành tuyến đi bộ, đi xe đạp trải nghiệm Khu du lịch Hàm Rồng... được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đặc biệt, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thành phố đã chủ động lập quy hoạch, xây dựng dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình dịch vụ, thương mại quy mô lớn; các doanh nghiệp, cá nhân tích cực đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, làm cho diện mạo thành phố ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển du lịch, mặc dù còn gặp những khó khăn, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng thành phố đã chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm nên ngành du lịch đã có sự khởi sắc. Nửa nhiệm kỳ qua, TP Thanh Hóa đã đón được 5.335.000 lượt khách (trong đó năm 2021 đón 1.150.000 lượt khách, năm 2022 đón 2.635.000 lượt, ước 6 tháng năm 2023 đón 1.150.000 lượt). Để đạt mục tiêu năm 2025 thu hút khoảng 2.900.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.000 tỷ đồng, nửa nhiệm kỳ còn lại, TP Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp lớn đã được đề ra, qua đó khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế vốn có, để du lịch đóng góp nhiều hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-xung-voi-tiem-nang/189045.htm