Phát triển du lịch ở vùng cao mang lại 'lợi ích kép'

Địa bàn các huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nghệ An có thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng về văn hóa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, xây dựng nhiều mô hình khác nhau thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy bước đầu còn có những hạn chế, khó khăn, nhưng việc khai thác du lịch, nhất là du lịch cộng đồng là hướng đi mới giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn có sinh kế bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa.

Người dân ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến chuẩn bị phòng nghỉ cho du khách tại cơ sở homestay. Ảnh: Viết Lam

Người dân ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến chuẩn bị phòng nghỉ cho du khách tại cơ sở homestay. Ảnh: Viết Lam

Tạo sinh kế cho người dân

Khu vực phía Tây Nghệ An gồm địa bàn 11 huyện, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tập trung chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu... định cư từ bao đời. Trong đó, một số huyện có dân cư đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, như: Kỳ Sơn (94,57%), Quế Phong (90,09%), Tương Dương (89,24%), Quỳ Châu (78,84%), Con Cuông (75,98%)... Trên địa bàn có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc sắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của địa phương.

Mặc dù nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhưng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số còn gặp những khó khăn, cùng với đó là nguy cơ mai một về văn hóa. Bởi từ trước đến nay, sinh kế của người dân trên địa bàn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khả năng lao động của bộ phận lớn nhân dân còn hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại không cao, sản phẩm làm ra chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Những năm gần đây, chính quyền các huyện vùng cao phía Tây Nghệ An chú trọng hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt bắt đầu phát huy lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa các đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch, thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Thực tế cho thấy, một số địa phương như xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) bước đầu thu hút khách du lịch trong và ngoài địa phương đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cùng với hoạt động khám phá thiên nhiên, du lịch cộng đồng gắn với những nét văn hóa của đồng dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Việc phát triển du lịch tại các địa phương vùng cao đang góp phần tạo sinh kế cho người dân bản địa. Các cơ sở dịch vụ, lưu trú hoạt động đều đặn đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, đồng thời tiêu thụ một lượng nông sản do bà con địa phương chăn nuôi, trồng trọt được.

Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết:“Trên địa bàn xã có điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi nên một số hộ dân đã đầu tư xây dựng cơ sở nghỉ dưỡng theo hình thức homestay. Nhờ đó, những năm gần đây, Mường Lống đang đón một lượng lớn khách du lịch ở nhiều nơi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Việc thu hút du khách cũng tạo cơ hội việc làm, tiêu thụ nông sản cho bà con địa phương, cụ thể như trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, một số gia đình trong xã có thu nhập lên đến 20 triệu đồng nhờ bán rau, củ, quả thu hoạch tại vườn và nương rẫy”.

Động lực gìn giữ bản sắc văn hóa

Cùng với thiên nhiên ưu đãi, xã Mường Lống còn được biết đến là địa bàn định cư của đồng bào dân tộc Mông sinh sống với bản sắc văn hóa rất đậm nét. Tuy nhiên, một thời gian dài, chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì, gìn giữ những nét văn hóa tiêu biểu như: Dệt quần áo, thổi khèn... Theo ông Và Chá Xà thì nguyên nhân chủ yếu là do người dân không mặn mà, thiếu “sân khấu” để thể hiện. Nhưng từ khi xã vùng cao này thu hút được khách du lịch, mọi thứ đã thay đổi tích cực, bởi khi đến đây cùng với nghỉ dưỡng, du khách còn tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. “Có khách du lịch, một số bản sắc văn hóa dân tộc tự “sống lại”, người dân khôi phục nghề đan váy, áo cho du khách thuê chụp ảnh, tập những điệu múa, điệu khèn để biểu diễn khi khách có nhu cầu” - Ông Và Chá Xà khẳng định.

Những năm gần đây, huyện Quỳ Châu tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trong đó lấy xã Châu Tiến làm điển hình, khai thác hiệu quả những giá trị bản sắc địa phương. Trong đó, nhiều hộ dân dùng chính nhà sàn của người Thái cổ để làm homestay. Gia đình bà Lô Thị Nga, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến là một trong 10 hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản. Homestay Từ Tâm của gia đình bà Nga đến nay đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách.

Bà Nga cho biết: “Khi có các đoàn khách ghé thăm, chúng tôi giới thiệu với họ về nghề dệt thổ cẩm của gia đình; nấu các món ăn truyền thống của người Thái, tổ chức khắc luống, múa lăm, mở rượu cần... để họ cảm nhận được ẩm thực, văn hóa, con người. Du khách hứng thú với bản sắc văn hóa người Thái, điều đó làm chúng tôi rất vui”.

Dù có những kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển du lịch ở vùng cao phía Tây Nghệ An vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bởi các điểm du lịch cộng đồng vẫn chủ yếu là tự phát, thiếu sự đầu tư, gắn kết giữa chính quyền địa phương, ngành du lịch và các ngành liên quan trong quản lý, đầu tư. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng hạn chế, nguồn nhân lực thiếu và yếu.

Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần có quy hoạch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư cho ngành du lịch, ưu tiên du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, phát huy nguồn lực tại chỗ một cách hiệu quả nhất, như vậy sẽ mang lại “lợi ích kép”, vừa tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-du-lich-o-vung-cao-mang-lai-loi-ich-kep-post463432.html