Phát triển đa kênh, đưa sản phẩm mở rộng thị trường

Mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng tiêu dùng hiện nay. Thị phần dành cho thị trường này ngày càng lớn mạnh. Tận dụng những ưu thế đó, thời gian qua, chị Nguyễn Thị Chi - chủ Cơ sở sản xuất khô, lạp xưởng Liêm Chi (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) đẩy mạnh kinh doanh và quảng bá sản phẩm khô cá lóc trên các nền tảng mạng xã hội. Bước đầu, mô hình kinh doanh đa kênh giúp chị Chi giải quyết hiệu quả bài toán tiêu thụ sản phẩm và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng…

Chị Nguyễn Thị Chi quay video giới thiệu sản phẩm cá khô trên các nền tảng mạng xã hội

Năm 2016, nhận thấy nguồn cá lóc nguyên liệu tại địa phương khá phong phú, chị Chi bắt đầu tự tìm hiểu để chế biến thành cá khô. Sau thời gian nghiên cứu và điều chỉnh công thức liên tục, đầu năm 2017, sản phẩm cá khô của chị Chi chính thức được đưa ra thị trường.

Ban đầu, chị Chi chỉ sản xuất nhỏ lẻ phục vụ cho khách quen ở khu vực chợ Trường Xuân. Tuy nhiên, nhờ sản phẩm thơm ngon, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nên sản phẩm khô cá lóc của chị được đông đảo khách hàng ủng hộ. Thời điểm năm 2017 - 2019, trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường trên 100kg khô cá lóc thành phẩm, giúp thu nhập của gia đình chị được cải thiện với khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ sản phẩm khô cá lóc của chị Nguyễn Thị Chi, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Trường Xuân có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời giúp cơ sở hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm khô cá lóc của chị Chi chính thức được công nhận là sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Chi - chủ Cơ sở sản xuất khô, lạp xưởng Liêm Chi tâm sự: “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phát triển thêm nghề làm khô để cải thiện thu nhập cho gia đình. Nhờ sự định hướng và hỗ trợ kịp thời của Hội LHPN các cấp, tôi xây dựng được chiến lược kinh doanh giúp sản phẩm được người tiêu dùng gần xa biết đến. Hiện tại, ngoài việc đầu tư cải tiến các sản phẩm truyền thống, tôi nghiên cứu thêm một số mặt hàng mới để phục vụ người tiêu dùng”.

Hiện tại, cơ sở còn phát triển thêm nhiều sản phẩm cá khô khác như: khô cá lau kiếng, cá sặc bổi... Trung bình mỗi tháng, chị Chi cung cấp cho thị trường từ 200 - 250kg khô thành phẩm các loại, lợi nhuận từ 8 - 9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống, chị Chi phát triển thêm các kênh online giúp các sản phẩm cá khô được phân phối rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Chị Nguyễn Thị Chi cho biết: “Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, vì vừa tiết kiệm được thời gian, vừa nhanh chóng. Tuy nhiên, để thu hút người tiêu dùng, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội là điều cần thiết. Trong đó, cập nhật, chia sẻ những lợi ích mà sản phẩm mang lại là các yếu tố được người tiêu dùng số quan tâm, từ đó giúp khách hàng có niềm tin khi quyết định mua sản phẩm”.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tháp Mười, cho biết: “Thời gian qua, nhằm giúp cho chị em hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, Hội LHPN huyện Tháp Mười thực hiện nhiều mô hình, trong đó phát động phong trào khởi nghiệp, khuyến khích chị em khởi nghiệp dựa trên nguồn tài nguyên bản địa. Bên cạnh đó, nhằm giúp cho sản phẩm khởi nghiệp của hội viên chuẩn chỉnh về chất lượng, mẫu mã bao bì, Hội LHPN huyện còn phối hợp với các ngành liên quan của địa phương hỗ trợ, hướng dẫn hội viên hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để sản phẩm thương mại hóa tốt hơn. Đặc biệt, để khai thác các kênh phân phối mới, Hội LHPN huyện còn thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề liên quan đến thương mại điện tử, phát triển đa kênh... để sản phẩm khởi nghiệp của chị em hội viên tiếp cận thị trường hiệu quả.

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-da-kenh-dua-san-pham-mo-rong-thi-truong-114609.aspx