Phát triển đa dạng loại hình kinh tế hợp tác xã

Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Yên Lập đã có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút, mở rộng thành viên; góp phần nâng cao hiệu quả và đời sống cho người dân địa phương.

Sản phẩm nếp Gà gáy của Hợp tác xã sản xuất nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao.

Toàn huyện hiện có 58 HTX đang hoạt động, trong đó có 43 HTX dịch vụ nông nghiệp; 10 HTX thương mại dịch vụ; hai HTX tiểu thủ công nghiệp; hai HTX hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường; một HTX xây dựng. Doanh thu bình quân của các HTX đạt trên một tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 700 lao động, với mục thu nhập bình quân 5.000.000 đồng/người/tháng.

Là loại hình HTX chiếm chủ lực trên địa bàn huyện, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã và đang thực hiện tốt vai trò liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chủ lực của vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Đồng thời, trực tiếp tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Ớt xanh, gạo nếp...

Điển hình là dự án liên kết “Sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung theo chuỗi giá trị” được HTX sản xuất nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp triển khai thực hiện trên địa bàn xã Mỹ Lung và Mỹ Lương năm 2023 đã cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, toàn bộ quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây lúa theo hướng hữu cơ cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển đều phải thực hiện đồng bộ, theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ông Khúc Ngọc Tung- Giám đốc HTX cho biết: “Thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho hiệu quả khá cao, lúa nếp sinh trưởng phát triển khỏe, cây cứng không bị đổ do mưa, gió, khả năng tự chống chịu thời tiết của cây lúa tốt hơn. Sản phẩm lúa cho hạt mẩy, đều, chất lượng gạo nếp thơm ngon, dẻo. Quan trọng nhất khi thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, giá trị sản phẩm và giá trị kinh tế được nâng lên từ 10-15% so với giá thông thường, hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống từ 8-9 triệu đồng/ha”. Hiện nay, HTX có 12 thành viên và trên 130 thành viên liên kết, trồng lúa nếp Gà gáy trên tổng diện tích trên 100ha, đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt cho HTX và thành viên.

Cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, các HTX cũng tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó năm 2023, trên địa bàn huyện có hai HTX có sản phẩm hàng hóa, đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao gồm: Thanh long ruột đỏ Đồng Thịnh của HTX nông nghiệp tổng hợp Tân Phát và rượu Mỹ Nương Tửu của HTX nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng y học cổ truyền Mỹ Lương. Như vậy, toàn huyện đã có ba sản phẩm HTX đạt tiêu chuẩn OCOP.

Song song với các HTX nông nghiệp, các HTX lĩnh vực thương mại - dịch vụ, xây dựng, vệ sinh môi trường hoạt động khá tốt; quan tâm nâng cao năng lực kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của người dân.

Để “tiếp sức” cho các HTX phát triển, huyện đã phối hợp cùng các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX trên địa bàn. Nhờ đó, năm 2023, có bốn HTX được tiếp cận và hỗ trợ vay vốn từ quỹ phát triển hợp tác xã với tổng số tiền trên một tỉ đồng. Đồng thời, huyện thực hiện hỗ trợ các HTX các thủ tục về giao đất, cho thuê đất để phục vụ sản xuất kinh doanh, áp dụng và thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế và thực hiện công tác khuyến nông, góp phần phát triển kinh tế hộ.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Lập Đinh Thị Thúy Hường cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thành lập mới các HTX hoạt động theo quy định của pháp luật; đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX hiện có. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các HTX và các thành phần kinh tế khác để ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tập thể. Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo nghề cho cán bộ quản lý và thành viên HTX. Đẩy mạnh công tác thông tin, thị trường, hướng dẫn, tư vấn cho HTX tham gia các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ HTX vay vốn tín dụng và tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tiếp cận quỹ phát triển HTX và vốn hỗ trợ các Chương trình nông thôn mới...

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phat-trien-da-dang-loai-hinh-kinh-te-hop-tac-xa/207940.htm