Phát triển công nghiệp văn hóa nhìn từ BlackPink

Chỉ với 2 đêm diễn tại Việt Nam, BlackPink đã thu hút trên 60.000 khán giả sẵn sàng bỏ số tiền lớn để được gặp thần tượng và trải nghiệm âm nhạc.

Hàn Quốc phải mất hàng chục năm đầu tư để chuẩn bị cho quá trình xuất khẩu văn hóa. Ảnh minh họa

Mục tiêu lâu dài, chiến lược bài bản

Với mức giá ngất ngưởng từ 1,2 - 9,8 triệu đồng/vé cùng hàng loạt hiệu ứng sau 2 đêm nhạc mà BlackPink trình diễn – không chỉ gây ra những ý kiến trái chiều, mà còn để lại những bài học thực tế đối với Việt Nam trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Với nhiều người, 2 đêm trình diễn của BlackPink (Hàn Quốc) tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vô thưởng vô phạt, thậm chí không có chút ấn tượng nào ngoài việc để lại lượng rác thải lớn chưa từng có. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một góc nhìn mang tính bề nổi của sự kiện thu hút đông người.

Đằng sau thành công của BlackPink, ngoài giá trị kinh tế thì lớn hơn cả là quảng bá văn hóa và thương hiệu quốc gia. Không phải tự dưng mà BlackPink nổi tiếng toàn thế giới, cũng không phải tự nhiên mà nhóm nhạc này được đông đảo giới trẻ Việt Nam yêu thích. Tất cả đều có lý do, và hơn thế nữa còn là chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đã triển khai cách đây vài chục năm.

Theo TS Lê Thị Việt Hà (Viện Quản trị kinh doanh), người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa kinh doanh Hàn Quốc cho biết, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc không tự nhiên có được mà là cả một chính sách phát triển qua các đời tổng thống.

Họ đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành 1 trong 5 cường quốc văn hóa đại chúng. Từ đó hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo.

Vào năm 2013, một quyết định được coi là bước chuyển của Hàn Quốc khi chính phủ chi đến 5,3 tỉ USD nhằm phát triển ngành công nghiệp sáng tạo qua việc thành lập các hiệp hội ngành công nghiệp sáng tạo, xây dựng các trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở các quốc gia, các nguồn quỹ trao đổi và giao lưu văn hóa Hàn Quốc với nước ngoài.

Cùng với việc đầu tư, chính sách mở của Hàn Quốc cũng thúc đẩy doanh nghiệp giải trí của nước này chủ động tham gia sản xuất và xuất khẩu văn hóa. Các công ty như: SM, JYP, YG, HYBE… đã nổi tiếng toàn thế giới và họ luôn có các chiến lược “đi trước đón đầu” quảng bá cho một loại hình nghệ thuật – văn hóa nào đó trước khi có ý định xuất khẩu.

Đơn cử như Kpop, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu làm thương hiệu cho thần tượng từ năm 1996 với các idol đời đầu như H.O.T, Shinhwa, S.E.S - được gọi là thế hệ “Gen 1”. Khi đến “Gen 2” với các thần tượng như BoA, SNSD, Super Junior, Big Bang, 2NE1, DBSK… ra đời đã tạo ra làn sóng Kpop mới có sức vươn khắp thế giới.

Chiến lược quảng bá của Hàn Quốc mạnh và sâu tới mức, nếu như năm 2012 Việt Nam mới có 4,12 triệu fan Kpop, thì đến năm 2022 con số này tăng đến 223% (13,3 triệu người) đưa Việt Nam trở thành nước có số người hâm mộ Kpop cao thứ ba thế giới.

Fan Việt Nam chờ đón BlackPink tại sân bay Nội Bài - Hình ảnh tại sao chúng ta không tạo ra được những thần tượng lớn? Ảnh: ITN

Phải bắt đầu từ tư duy

Trở lại câu chuyện BlackPink – nhóm nhạc ra mắt năm 2016 giữa làn sóng Kpop lên cao. Khi được thông báo lưu diễn tại Việt Nam, trước đó nhóm nhạc đã được bảo chứng chất lượng qua hơn 70 đêm diễn trên toàn thế giới.

Touring Data - nền tảng theo dõi doanh thu phòng vé độc lập thống kê sau 40 buổi diễn của BlackPink đã đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, trung bình mỗi đêm nhóm nhạc này thu về hơn 4 triệu USD.

Thu về lớn tất nhiên phải chi nhiều. Đơn vị tổ chức show BlackPink phải đảm đương khối lượng công việc khổng lồ, nhập khẩu hàng trăm tấn thiết bị với vài trăm nhân lực, liên tiếp có những phát sinh về thủ tục, yêu cầu mang tính quốc tế… nhưng rồi tất cả đều ổn thỏa.

Giới doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam thừa hiểu làm show BlackPink chắc chắn ra tiền. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chúng ta không có doanh nghiệp đủ năng lực tổ chức như vậy. Bởi thế, chỉ có thể mong chờ trong tương lai khi những người làm show tại Việt Nam học hỏi được điều gì đó từ sự kiện này.

Từ góc độ chính sách, ngay sau 2 đêm diễn của BlackPink, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trả lời báo chí rằng, nếu có đủ những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, chú tâm đầu tư nhiều hơn đến công nghiệp giải trí, chúng ta hoàn toàn có cơ hội khai thác, quảng bá giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt Nam như những gì BlackPink đã làm.

Theo ông Sơn, phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đồng thuận, đầu tư lâu dài và hạ tầng vững chắc. Mặc dù Việt Nam đã có chủ trương và chiến lược cho việc phát triển công nghiệp văn hóa từ năm 2016, nhưng vẫn còn một số rào cản và thách thức cần vượt qua để đạt được thành quả như Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

“Chúng ta chưa có ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công... cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tức là môi trường hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa chưa thực sự thuận lợi”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Về góc độ chuyên môn, TS Lê Thị Việt Hà cho rằng chúng ta đang có lợi thế để phát triển hơn so với nhiều quốc gia. Việt Nam là một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất với 54 dân tộc, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ có một dân tộc duy nhất. Bên cạnh đó, chúng ta có thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân và dân số trẻ, trong khi Hàn Quốc hay Nhật Bản đang phải đối mặt với hiện tượng già hóa dân số.

Theo bà Hà, chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật, nhưng lại chưa có ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Để làm được, trước hết phải thay đổi tư duy, đánh giá đúng vai trò sức mạnh mềm của văn hóa. Văn hóa không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần, mà sẽ là các sản phẩm đóng góp lớn vào GDP.

Theo giới chuyên gia, chúng ta không thể bê nguyên mô hình phát triển của Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, có thể học hỏi họ những điểm phù hợp với tình hình chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước. Đầu tiên là chính sách, tư duy nghĩ lớn - làm lớn và sự đồng hành của nhà quản lý cùng doanh nghiệp trong việc sáng tạo và xuất khẩu văn hóa.

Theo TS Lê Thị Việt Hà, mỗi năm nước ta có hàng chục cuộc thi tài năng nghệ thuật trên truyền hình, nhưng những ngôi sao thành danh rất hiếm bởi thiếu bệ phóng là các công ty giải trí chuyên nghiệp. Bởi vậy, cần xây dựng các công ty giải trí và truyền thông chuyên nghiệp để có thể xã hội hóa các hoạt động biểu diễn. Nhà nước sẽ đóng vai trò bệ đỡ, các công ty giải trí sẽ thực hiện vai trò cụ thể.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-nhin-tu-blackpink-post649449.html