Phát triển chăn nuôi theo chuỗi: Không lo đầu ra

(VEN) - Mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín, gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ sản xuất đến tiêu thụ đang được nhiều hộ dân, chủ trang trại ở ngoại thành Hà Nội áp dụng. Đây được coi là hướng đi hiệu quả nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hiện nay.

Nhiều sản phẩm trứng gà, trứng vịt được bán trong các siêu thị lớn ở Hà Nội

Trang trại Tiên Viên của anh Đặng Đình Tiên, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội là một trong những ví dụ điển hình về những “cái được” từ mô hình này.

Được xây dựng từ năm 2001 với quy mô ban đầu là 1,6ha, lấy chăn nuôi là nguồn thu chính, đến tháng 10/2006, anh Tiên đứng ra thành lập Công ty CP Đầu tư và phát triển kinh tế trang trại Tiên Viên, bước đầu xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà với diện tích được mở rộng lên tới 7,2ha. Năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Công ty Tiên Viên đã củng cố lại chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ trứng gà, xây dựng, quảng bá và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền đối với sản phẩm trứng mang nhãn hiệu Tiên Viên.

Qua hơn 7 năm xây dựng, chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng sạch Tiên Viên đã bước đầu tạo lập được thị trường. Hiện công ty đã xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín, thiết bị hiện đại với quy mô chăn nuôi hàng năm 20.000 gà hậu bị, 25.000 gà đẻ cung cấp cho chuỗi trên 20.000 trứng/ngày. Ngoài ra còn thu hút được 15 hộ chăn nuôi gia cầm tại địa phương tham gia chuỗi, cung cấp thường xuyên gần 30.000 trứng/ngày.

Anh Tiên cho biết, trước khi đem tiêu thụ, trứng gàđược xử lý bằng tia cực tím, sau đó được phân loại, dán tem và đóng hộp. Hiện tại, công ty đã mở được 4 kênh tiêu thụ chính bao gồm: 7 hợp đồng cung cấp trứng với số lượng ổn định cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm (chiếm 33%); 1 nhà phân phối cung cấp trứng cho 72 cửa hàng bán lẻ (32%); 8 gian hàng siêu thị (18%); 18 bếp ăn, nhà hàng, khách sạn (17%). Sản lượng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tăng liên tục, từ mức trung bình 450.000 quả/tháng năm 2005 lên tới 1,2 triệu quả/tháng năm 2011.

Là một mắt xích trong chuỗi liên kết chăn nuôi này, hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Tuyên, xóm Đường, xã Đại Yên nuôi 2.500 con gà, thu về 2.000 quả trứng/ngày. Anh Tuyên chia sẻ: “Trước đây, việc tiêu thụ trứng rất bấp bênh do phụ thuộc vào thương lái. Tuy nhiên, từ khi tham gia chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho Công ty Tiên Viên, đầu ra cho sản phẩm trứng của gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều”.

Mặc dù đã có kết quả bước đầu, song việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Anh Đặng Đình Tiên cho biết, tại mỗi khâu của chuỗi còn các tồn tại, hạn chế nhất định nên sản lượng tiêu thụ chưa thực sự tăng mạnh.

Hơn nữa, hiện nay chưa có quy trình chăn nuôi thống nhất với tất cả các trang trại cung cấp sản phẩm cho chuỗi dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Ngoài ra, quá trình phân loại, dán tem và đóng hộp trứng vẫn tiến hành theo phương pháp thủ công, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Việc phân phối, tiêu thụ mới chỉ tập trung tại một số ít quận nội thành, các siêu thị, nhà hàng nhỏ…, chưa mở rộng được thị trường.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 30-40 trang trại xây dựng mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tăng giá bán từ 10-25% so với sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình trên còn gặp nhiều khó khăn bởi giá thành sản xuất cao. Ngoài ra, theo nhận định chung, hiện nay mới chỉ có một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, do đó, mô hình chăn nuôi theo chuỗi vẫn cần tìm hướng tiếp cận thị trường đa dạng hơn để giải quyết rốt ráo bài toán đầu ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng./.

Thắng Văn - Tiến Dũng

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/phat-trien-chan-nuoi-theo-chuoi-khong-lo-dau-ra_t77c562n29209tn.aspx