Phát triển cây màu mùa khô trong điều kiện biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, nhất là lĩnh vực trồng trọt tại các vùng ven biển do thường bị thiếu nước ngọt, khô hạn từ sau tháng Giêng kéo dài đến tháng 4, tháng 5 âl. Đây là thời điểm được nông dân ở các vùng đất gò, triền giồng, giồng cát ở huyện Cầu Ngang, Trà Cú... chọn đưa cây màu xuống trồng để thích ứng với BĐKH, trong điều kiện thiếu nguồn nước ngọt, các cống đầu mối đóng để ngăn mặn.

Nông dân ở cánh đồng màu Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang chăm sóc dưa hấu vụ đông - xuân.

Đồng chí Hồng Văn Thống, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: vụ màu mùa khô năm 2024, nông dân ở các vùng không sản xuất được lúa do thiếu nước ngọt và gò cao; sẽ tập trung xuống giống màu vụ đông - xuân 2023 - 2024 (còn gọi màu mùa khô) khá nhiều. Các địa phương có diện tích màu mùa khô xuống giống tập trung nhiều là Hàm Giang, Ngọc Biên, Long Hiệp và Đại An; giá trị kinh tế từ cây màu mang lại khá cao cho nông dân và một số cây màu có đầu ra ổn định như bí đỏ, bắp ngọt, hành…

Với tổng diện tích cây màu mùa khô đã được nông dân huyện Trà Cú xuống giống trên 500ha, trong đó, chủ yếu là màu thực phẩm, chiếm trên 80% diện tích. Một số cây màu có diện tích xuống giống nhiều là bí đỏ (100ha), bắp nù và bắp ngọt trên 50ha, hành lá trên 30ha… Hiện các thương lái cũng tham gia liên kết với nông dân với 02 cây màu chủ lực là bí đỏ (7.000 đồng/kg) và bắp ngọt với giá 7.500 đồng/kg.

Nông dân Thạch Đời, ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú chia sẻ: gia đình có 0,35ha đất sản xuất, khi vào mùa mưa thì trồng 01 vụ lúa và từ tháng Chạp đến tháng 4, tháng 5 sẽ trồng màu (khoảng 03 vụ màu), thời điểm này ở khu vực này gặp khó về nguồn nước ngọt. Vụ màu hiện nay, gia đình trồng 0,25ha bắp ngọt và 0,1ha đậu que; với giá bắp ngọt hiện được thương lái thu mua 7.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lời trên 03 triệu đồng/0,1ha và thời gian trồng bắp rất ngắn, sau 34 - 35 ngày là thu hoạch.

Tại vùng trồng màu trọng điểm xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang; hàng năm có khoảng 1.500 - 1.600ha màu mùa khô được nông dân xuống giống, chủ yếu là dưa hấu và bí đỏ, đậu phộng.

Theo nông dân Nguyễn Văn Huyền, ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc chia sẻ: do điều kiện vùng đất nằm ven biển và nhờ có tuyến đê bao, nên hàng năm, cứ sau tháng Chạp (thu hoạch xong vụ lúa thu - đông), cả cánh đồng gần 250ha ở đây, nông dân đều xuống giống cây màu và việc sản xuất cây màu ở đây đã từng bước thích ứng với điều kiện BĐKH như thiếu nước ngọt không trồng lúa được, khô hạn, mặn… nông dân trồng màu mùa khô chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt qua giếng bơm. Vụ màu năm nay, gia đình xuống giống trên 01ha dưa hấu. Nếu giá dưa hấu ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg, người trồng dưa thu nhập trên 250 triệu đồng/ha.

Đồng chí Dương Văn Đởm, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Bắc cho biết: do đặc điểm xã nằm ven biển, nên vào mùa khô, nông dân không sản xuất được lúa, trên 90% diện tích trồng lúa được chuyển sang trồng màu. Màu vụ đông - xuân là vụ màu chính trong năm ở xã Mỹ Long Bắc; xã đã hình thành các vùng chuyên canh màu tại các ấp như Bến Cát, Hạnh Mỹ… và được Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ cho trồng màu như hạ thế điện, đê bao.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/phat-trien-cay-mau-mua-kho-trong-dieu-kien-bien-doi-khi-hau-34325.html