Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam

- Các bài viết kỳ 1;2 và 3 (ngày 22; 26/3 và 1/4/2010)) đã đề cập về xu thế khách quan, tiến trình hình thành các vùng KTTĐ ở nước ta; phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra ở các vùng KTTĐ Bắc Bộ, Trung Bộ. Kỳ cuối này sẽ tập trung phân tích thực trạng phát triển, những vấn đề đặt ra ở vùng KTTĐ Nam Bộ và đề xuất giải pháp phát triển bền vững các vùng KTTĐ đó.

Tiềm năng và thực trạng phát triển vùng KTTĐ Nam Bộ Vùng KTTĐ Nam Bộ (còn gọi là vùng KTTĐ phía Nam) trước năm 2004 gồm TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có tốc độ trưởng kinh tế cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước trong suốt 15 năm (1991 - 2005). Từ năm 2004, địa giới vùng KTTĐ Nam Bộ được Chính phủ cho mở rộng thêm 4 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An (2004) và Tiền Giang (năm 2005). Như vậy, đến nay vùng KTTĐ Nam Bộ bao gồm TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh đó, có diện tích tự nhiên trên 30.000 km2 (chiếm 9,2% diện tích cả nước); dân số gần 15 triệu người (chiếm khoảng 18% dân số cả nước). Với tỷ lệ đóng góp những năm gần đây chiếm khoảng 40% GDP của cả nước, vùng KTTĐ Nam Bộ đang tiếp tục là vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng năm 2007 đạt 12,6%, chiếm tỷ trọng 60% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu kinh tế của vùng là khu vực nông, lâm, thủy sản 7,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng 56,3% và khu vực dịch vụ 36,4%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt 31,4 triệu đồng/năm, gấp 2,6 lần mức bình quân của cả nước và gấp 1,9 lần vùng KTTĐ Bắc Bộ và 3,2 lần của vùng KTTĐ Trung Bộ. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng đạt 56,4 tỷ USD, gồm có kim ngạch xuất khẩu đạt 36,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 19,6 tỷ USD. Vùng KTTĐ Nam Bộ là vùng có khả năng xuất khẩu cao và hiện cũng là vùng có khả năng xuất siêu duy nhất của cả nước. Tổng thu ngân sách của vùng chiếm 66,5% tổng thu ngân sách quốc gia. Thu hút vốn đầu tư trong hơn 20 năm qua đã tới 54% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn quốc... Tuy còn không ít khó khăn, bất cập song cũng cần thấy rằng, vùng KTTĐ Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước là do nhiều nguyên nhân, trong đó, cần thấy rằng đây là vùng duy nhất hiện nay hội tụ khá đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH; đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Chính vì thế, vùng này về hệ thống kết cấu hạ tầng hiện nay khá đồng bộ, là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế có trình độ cao, đảm bảo đào tạo và cung cấp dịch vụ y tế cho cả vùng; có nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng khá nhất, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn nổi trội. Đây cũng là trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ cảng…. và là vùng có khu công nghệ cao và trung tâm tin học, đào tạo và sản xuất phần mềm vào loại lớn nhất của cả nước. Tại đây cũng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh phát triển xung quanh TP Hồ Chí Minh, liên kết bởi các tuyến trục và vành đai thông thoáng. Vùng KTTĐ Nam Bộ hiện là địa bàn phát triển công nghiệp trọng yếu vào loại lớn nhất của cả nước, đã hình thành và liên kết mạng lưới các KCN tập trung và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và cơ bản như: khai thác và chế biến dầu khí, luyện cán thép, năng lượng điện, công nghệ tin học, hóa chất cơ bản, phân bón và vật liệu… làm nền tảng CNH, HĐH của vùng và của cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Những vấn đề đặt ra hiện nay cho vùng KTTĐ Nam Bộ Vấn đề lớn nhất đang đặt ra cho vùng này là cần duy trì mức tăng trưởng nhanh mà vẫn đảm bảo phát triển hài hòa các yếu tố về môi trường tự nhiên sinh thái và xã hội. Điều đó cũng có nghĩa, đối với vùng này không chỉ cần đẩy nhanh, đẩy mạnh sự phát triển mà quan trọng hơn cả vẫn là sự phát triển bền vững. Hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ quả của quá trình phát triển thiếu liên kết, bằng mọi giá phải thu hút đầu tư và tăng trưởng trong đó nổi bật là các vấn đề ô nhiễm môi trường, liên kết hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý chất thải, vấn đề về thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành sản xuất, vấn đề an sinh xã hội trên toàn vùng, trực tiếp là đội ngũ đông đảo người lao động, nhất là lao động nữ đang làm việc tại các KCN, các doanh nghiệp hiện nay. Đối với vấn đề môi trường, báo động nhất hiện nay là ô nhiễm lưu vực các dòng sông như Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải. Trong vài năm trở lại đây song hành với sự phát triển công nghiệp của một số tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... là sự gia tăng về chất thải công nghiệp của nhiều loại hình công nghiệp đặc biệt là chất thải nguy hại. Tuy nhiên vấn đề về xử lý chất thải chưa được quan tâm quản lý đúng mức dẫn đến trong một thời gian dài chất thải chưa qua xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn của các khu công nghiệp vẫn tiếp tục đổ ra theo hệ thống thoát nước tới các dòng sông. Hệ quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước các dòng sông. Nước sông Đồng Nai có đoạn đã bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn 3-9 lần, đáng chú ý là đã phát hiện hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn TCVN 5942-1995. Đối với nước sông Đồng Nai tình trạng cũng rất nghiêm trọng, và đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại khu vực cầu Tân Thuận hàm lượng dầu vượt 26 lần tiêu chuẩn cho phép; tại cầu Rạch Ông, coliform vượt vài trăm lần, chất rắn lơ lửng vượt 4,8 lần... và kết quả khảo sát ở sông Thị Vải cũng cho những kết quả tương tự. Vấn đề giao thông liên kết cũng đang đặt ra cho vùng này những khó khăn, bất cập cần xử lý trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Đó là vấn đề về lập dự án đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến việc đình trệ các dự án giao thông. Trong khi mạng lưới giao thông là yếu tố tối quan trọng để vận hành và truyền tải rất nhiều hoạt động kinh tế liên quan. Các tuyến đường kết nối cần được đầu tư đồng bộ, hoặc có thể chia quy mô ra để phân đợt đầu tư nhưng phải đảm bảo lưu lượng giao thông trên cơ sở tính toán quy mô dự báo tối đa. Hiện nay bức tranh tổng thể kinh tế toàn vùng đã tương đối rõ nét, việc dự báo các luồng hàng, luồng khách trên các tuyến giao thông là hoàn toàn có cơ sở. Giao thông liên vùng cần đi trước một bước trong vai trò khích lệ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị phát triển và cân đối hài hòa các nguồn lực trên toàn vùng. Hiện nay đang diễn ra tình trạng “tắc đâu mở đó” ở một số khu vực, đặc biệt là những khu vực có mật độ tập trung cao các cơ sở kinh tế, đô thị. Trong khi cần nhìn nhận toàn bộ mạng lưới giao thông vùng ở góc độ tổng thể, các hiện tượng xảy ra chỉ là hệ quả của một mạng lưới giao thông thiếu đồng bộ. Như chúng ta thấy, các tuyến quốc lộ hiện nay mặt cắt trên toàn tuyến rất khác nhau và đi qua nhiều đô thị lớn, dẫn đến tình trạng ách tắc ở một số khu vực làm cho thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực tăng lên, thiệt hại về mặt kinh tế là không nhỏ. Các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 50 hiện trong tình trạng quá tải đang được đầu tư nâng cấp. Ngoài đường bộ, vùng KTTĐ Nam Bộ có một hệ thống đường thủy rất quan trọng đóng góp nhiều vào lưu thông hàng hóa như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, hệ thống các sông nhánh cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như ùn tắc tàu bè trên sông, ô nhiễm mặt nước tác động xấu đến các phương tiện vận tải thủy... Hệ thống cảng biển là đầu ra - vào chiến lược cho vùng nhưng cần có sự hỗ trợ tốt từ hệ thống kết nối trên bộ mà hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối mà nếu không có dự báo tốt về luồng hàng thì việc đầu ra - vào không phải tắc ở cảng biển mà là ở ngay trên các tuyến giao thông bộ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng đang là vấn đề bức xúc hiện nay của vùng KTTĐ Nam Bộ. Trong đó cấp nước và xử lý nước thải đô thị cần được cân đối trên toàn vùng. Nguồn nước mặt sử dụng cho cấp nước sinh hoạt hiện nay có trữ lượng lớn là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, các hồ Phước Hòa, Dầu Tiếng, Đá Đen, sông Ray... Đến năm 2020, theo dự báo nhu cầu tiêu thụ nước sạch ngày càng lớn trong khi diện tích các vùng nước mặt đạt tiêu chuẩn xử lý ngày càng bị thu hẹp, cần có phương án bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn nước mặt vì đây là tài nguyên không thể thay thế và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của hệ thống các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp trên toàn vùng. Đối với vấn đề thoát nước thải thì việc lựa chọn công nghệ thích hợp với từng giai đoạn phát triển cần được đặt lên hàng đầu. Quan trọng nhất vẫn là phải dùng cơ chế quản lý thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào xử lý chất thải như một khâu trong quá trình sản xuất; các khu đô thị, khu dân cư có nguồn thu phí từ hoạt động xả thải nhằm giảm bớt áp lực cho khâu xử lý rác và nước thải đầu nguồn xả. Vấn đề về phát triển năng lượng, trong đó trọng tâm là phát triển điện năng cũng đang đặt ra cho vùng này nhiều thách thức trong giai đoạn tới. Với mức độ phát triển công nghiệp của vùng thì cần phải tiêu thụ một lượng rất lớn điện năng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất. Vùng đang phấn đấu đến năm 2015 tổng công suất đáp ứng cho nhu cầu khoảng 3.700-5.000MW. Tuy nhiên, nguồn điện cung ứng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là khó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, trong khi rất nhiều nhà máy thủy điện đều trong giai đoạn xây dựng khó có thể đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt. Vì vậy bài toán cân bằng về cung - cầu năng lượng là rất khó khăn cần phải cân nhắc sử dụng nguồn năng lượng thay thế khác… Để thực sự phát triển bền vững các vùng KTTĐ của Việt Nam Ngày 16/3, tại Đồng Nai, chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận định, với việc phát triển nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, các vùng KTTĐ đã tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy sự phát triển của các vùng, các địa phương lân cận, và do đó đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển chung của cả nước. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều phối các vùng KTTĐ, mặc dù trong năm 2009, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu song cả 4 vùng KTTĐ của Việt Nam (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 11%, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân cả nước. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng của các vùng KTTĐ đạt 11,1% (cả nước 5,32%), GDP bình quân đầu người 29,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách của vùng KTTĐ chiếm gần 89% và giá trị xuất khẩu chiếm 91,4% so với cả nước. Phát triển kinh tế biển, trong đó có dầu khí và du lịch là những lợi thế lớn nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại vùng KTTĐ Nam Bộ (Ảnh: Trần Anh) Tuy nhiên, cũng tại hội nghị trên, để nhanh chóng khắc phục những khó khăn, bất cập còn tồn đọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lưu ý, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, nhạy bén trong việc tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài, khai thác tối đa thị trường trong nước; cần có các chính sách thu hút lao động để giải quyết vấn đề thiếu lao động đang xảy ra tại một số vùng KTTĐ; ổn định giá cả, kiềm chế hiệu quả lạm phát. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên vốn tập trung cho đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các địa phương, các vùng KTTĐ cần quan tâm, lưu ý đến vấn đề công nghệ. Riêng về công tác điều phối của Ban chỉ đạo các vùng KTTĐ vẫn còn bộc lộ những hạn chế như thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các vùng; mặc dù nhiều vấn đề đã được Ban chỉ đạo khẳng định cần làm ngay nhưng thực tế giải quyết còn chậm; một số bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác điều phối, chưa chủ động đề xuất những vấn đề, kế hoạch cụ thể trong điều phối… Từ đó cho thấy, hầu hết các vấn đề đặt ra trên đây của vùng KTTĐ Nam Bộ và kể cả các vùng KTTĐ khác như đã nêu trong các bài viết kỳ trước đều bộc lộ một thực tế là bên cạnh những mặt thuận, tích cực của sự phát triển đã đạt được, đang có một câu hỏi đặt ra: Cái giá phải trả cho sự phát triển vùng KTTĐ bằng mọi giá là gì?... Đó phải chăng chính là sự mất cân bằng tự nhiên – xã hội, kinh tế - môi trường, sự thiếu liên kết nội vùng và cả ngoại vùng đang diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực. Trả lời câu hỏi đó là cần thiết, song thiết nghĩ có lẽ cần thiết hơn cả vẫn là phải tìm ra phương thức, biện pháp khắc phục sao cho nhanh và có hiệu quả nhất. Đây mới chính là việc làm quan trọng nhất đang đặt ra hiện nay cho tất cả các ngành, các cấp cơ quan, chính quyền liên quan và đương nhiên ở tầm lãnh đạo, quản lý vĩ mô cao nhất là Chính phủ cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao hơn nữa trong sự phối hợp cùng giải quyết những vấn đề còn khó khăn, bất cập đó. Chính vì thế, thông qua loạt bài viết này tuy chưa thể phản ánh đầy đủ và có thể còn khiếm khuyết, song tác giả rất mong được bày tỏ quan điểm và chia sẻ với các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển là cần có sự điều tra, nghiên cứu khách quan, cụ thể hơn nữa về chủ đề này, mong được góp phần cung cấp thêm cho Đảng và Nhà nước những luận cứ khoa học và thực tiễn không chỉ của sự phát triển trong nước ta mà cả tham khảo kinh nghiệm thế giới, khu vực về những vấn đề liên quan mà phạm vi các bài viết này chưa thể đề cập đến. Để từ đó đề xuất những kiến nghị giải pháp thiết thực, có tính khả thi nhằm phát triển mạnh nhưng bền vững các vùng KTTĐ của Việt Nam. Có được vậy, các vùng KTTĐ mới thực sự trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng và phát triển bền vững không chỉ đối với nội vùng, các khu vực lân cận mà còn đối với chung cả nước trong tiến trình CNH, HĐH, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng hơn./. Nguồn tài liệu tham khảo: Kỷ yếu Hội thảo: “Cơ sở khoa học cho phát triển vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam”, ngày 11/11/2009, của Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội; từ các website của Ban Chỉ đạo các vùng KTTĐ, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Báo điện tử ĐCS Việt Nam…; Các bài viết liên quan của nhiều tác giả đã đăng trên các website, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Tạp chí Cộng sản…Thời báo Kinh tế Việt Nam, Đầu tư.v.v.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399538&co_id=30066