Phát triển bền vững, tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn

ĐTO - Từ năm 2021, 3 tổ chức: Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cùng thống nhất Chủ đề Tiêu chuẩn phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn như một hành trình kéo dài nhiều năm nhằm thể hiện vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là những mục tiêu toàn cầu, phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc.

Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho các tổ chức tham gia Đề án 996

Các đại biểu đến từ 25 quốc gia lần đầu tiên họp mặt tại Luân Đôn (nước Anh) vào ngày 14/10/1946 để sáng lập nên một tổ chức quốc tế thực hiện việc điều phối và thống nhất hoạt động tiêu chuẩn. Một năm sau, Tổ chức ISO đã chính thức được thành lập. Để kỷ niệm dịp này cũng như nhằm vinh danh những đóng góp và hợp tác của hàng ngàn chuyên gia, tổ chức trên toàn thế giới trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, ngày 14/10 hàng năm được chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Lần đầu tiên Ngày Tiêu chuẩn Thể giới được tổ chức là vào ngày 14/10/1970 và được mở rộng ra cho cả các thành viên của IEC và ITU.

Từ đó vào dịp này, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ISO, IEC, ITU cùng tổ chức kỷ niệm với các hình thức phong phú, đa dạng khác nhau nhằm tôn vinh lợi ích to lớn của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Đồng thời khích lệ, thu hút các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thiện theo các tiêu chuẩn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành các kế hoạch phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch duy trì và cải tiến Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp... Đồng thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được ban hành làm cơ sở cho việc thống nhất quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại địa phương góp phần tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi chính đáng của người tiêu dùng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 9001, 22000, HACCP...), thời gian qua, một số doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Công ty TNHH Nông sản Song Nhi, Phường 6, TP Cao Lãnh là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2023. Hiện nay, Sở KH&CN phối hợp với đơn vị tư vấn Viện Nghiên cứu phát triển tiêu chuẩn chất lượng (ISSQ), hướng dẫn doanh nghiệp này xây dựng Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Với định hướng đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ara Đồng Tháp (TP Cao Lãnh) được Sở KH&CN xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 44 về việc xây dựng và áp dụng tích hợp hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và HACCP. Qua đó, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thông qua việc thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ tiên tiến, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc đổi mới hoạt động đo lường theo Quyết định số 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Đề án 996) cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở KH&CN. Qua đó, góp phần đưa hoạt động đo lường lên tầm cao mới, là công cụ đắc lực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Chung Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Đồng Tháp, tham gia thực hiện Đề án 996 mang lợi ích thiết thực cho công ty, giúp đơn vị hệ thống lại những hồ sơ kỹ thuật có liên quan về đo lường trong hoạt động kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh, sự chuyên nghiệp trong quản lý hoạt động về đo lường. Ngoài ra, thông qua việc tham gia và thực hiện Đề án 996 giúp cho công ty củng cố và bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ông Võ Hồng Vân - Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH&CN cho biết, mục tiêu quan trọng của tiêu chuẩn hóa là “tạo sự thay đổi tích cực”. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn và bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng...

Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2023 được lựa chọn là: Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Mục tiêu phát triển bền vững 3 - chăm sóc sức khỏe an toàn và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.

Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng là quyền của con người và thiết yếu đối với sự phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững 3 nhằm đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

Các tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Mục tiêu phát triển bền vững 3. Cung cấp một khuôn khổ toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ y tế kỹ thuật số, nghiên cứu và phát triển, sản xuất và bảo trì các thiết bị và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đảm bảo các thiết bị y tế, dịch vụ và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả, an toàn và đáng tin cậy có thể tiếp cận được với số lượng lớn dân số toàn cầu.

Tiêu chuẩn cũng cung cấp cơ sở cho việc hoạch định chính sách hiệu quả và các quy định khuyến khích sự hợp tác nhằm cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe.

Khi công nghệ y tế kỹ thuật số phát triển, các tiêu chuẩn IEC, ISO và ITU giúp đảm bảo rằng các hệ thống được an toàn và quyền riêng tư của người bệnh được bảo vệ.

Chúng ta hợp tác cùng nhau để đẩy nhanh Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp quốc, với các tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững và tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-tam-nhin-chung-cho-mot-the-gioi-tot-dep-hon-117413.aspx