Phát triển bền vững nghề sinh vật cảnh

ĐTO - Thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Đồng Tháp trở thành điểm tựa thúc đẩy phong trào SVC trong Nhân dân, phát triển sản xuất và các dịch vụ, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động. Từ đó là tiền đề quan trọng đưa phong trào SVC từng bước phát triển phù hợp.

Thời gian qua, Hội viên Hội Sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh sáng tạo ra nhiều tác phẩm giá trị

Để nuôi dưỡng niềm đam mê, các nghệ nhân thuộc Hội SVC TP Sa Đéc đã bảo tồn, khai thác, lai tạo nhiều giống hoa, kiểng mới mang lại kết quả khả quan. Nhiều loại kiểng quý như: me chua, gỗ lũa, khế sần... được bảo tồn, chăm sóc bằng phương pháp tự nhiên và sinh học. Hàng năm, nhiều sản phẩm của hội viên được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp đang chăm sóc tác phẩm sinh vật cảnh

Sinh ra và lớn lên ở nơi có truyền thống trồng sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh, nhiều năm qua, ông Lưu Văn Nết - Hội viên Hội SVC TP Sa Đéc cùng với các hội viên khác trong địa phương luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm SVC phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hơn 20 năm trong nghề, ông Nết sở hữu khu vườn rộng hơn 5.000m2 với nhiều cây cảnh lâu năm có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao như: khế sần, mai vàng, vú sữa, lộc vừng... cùng hàng nghìn cây cảnh hàng hóa, cây nội thất, ngoại thất phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Với niềm đam mê sinh vật cảnh, thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mai vàng, TP Sa Đéc dày công sưu tầm các tác phẩm kiểng cổ mang giá trị cao

Ngoài cung cấp cây cảnh, ông Nết còn nhận thi công các công trình trang trí từ khuôn viên tư gia, công sở, công trình khách sạn đến khu nghỉ dưỡng, nhà vườn... ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ phát triển SVC mang lại cho gia đình ông doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Nết chia sẻ: “Cây cảnh là một môn nghệ thuật đa chiều, sống động, đòi hỏi người chăm sóc ngoài việc có vốn kiến thức nhất định thì phải tâm huyết với cây cảnh và cần cù, chịu khó”.

Hội viên Hội Sinh vật cảnh chú trọng quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch gần xa

Ông Nguyễn Phước Lộc - Chủ tịch Hội SVC TP Sa Đéc, cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội trong thành phố tích cực tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề SVC, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình, tổ chức triển lãm, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, giới thiệu tay nghề... Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng phát triển kinh tế từ SVC góp phần thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành hàng hoa kiểng. Qua đó, nhiều tác phẩm SVC của các nghệ nhân đạt giải cao tại những cuộc thi SVC trong và ngoài tỉnh”.

Để phát triển bền vững nghề sinh vật cảnh, ông Nguyễn Văn Mẫn - Ủy viên Ban thường vụ Hội SVC tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Phát huy tinh thần đam mê sáng tạo, thời gian qua, nhiều gia đình hội viên Hội SVC tích cực đầu tư nhằm phát triển kinh tế từ mô hình nhà vườn sản xuất, kinh doanh SVC theo hướng kỹ thuật cao. Đến nay, các nghệ nhân tạo dựng được vườn SVC đa dạng, với nhiều loại cây bonsai, chủng loại phong phú với tổng giá trị cao. Qua đó, nghề SVC còn góp phần giải quyết tốt nguồn lao động tại chỗ tại địa phương với thu nhập ổn định”.

Những năm qua, các cấp Hội Sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hội thi cấp khu vực nhằm giúp các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, nâng cao tay nghề

Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, SVC không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là nghề đòi hỏi sự lao động kiên trì, cần mẫn và năng khiếu nghệ thuật. Với những tư duy đầy sáng tạo cùng đôi tay khéo léo, những nghệ nhân đã thổi hồn cho các tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. Để động viên khuyến khích nghề SVC phát triển mạnh mẽ, thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về công tác đào tạo tay nghề; tập hợp đoàn kết những người hành nghề SVC để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh nghề SVC đến bạn bè trong cả nước và quốc tế nhằm thu hút khách du lịch và giao thương phát triển mạnh mẽ hơn”.

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nghe-sinh-vat-canh-116983.aspx