Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng

Để khai thác tiềm năng và sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước tại các hồ chứa, sông, vịnh... những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với nhiều thuận lợi từ tự nhiên và sự hỗ trợ của địa phương, nghề nuôi cá lồng đã và đang trở thành mô hình kinh tế góp phần giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi của tỉnh.

Diện tích nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt của người dân thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 138 ha nuôi cá lồng. Trong đó, diện tích nuôi cá lồng nước ngọt trên các hồ thủy lợi, hồ thủy điện khoảng 50 ha, với 2.139 lồng nuôi và khoảng 88 ha nuôi cá lồng nước lợ, nước mặn với 3.982 lồng nuôi tại khu vực eo ngách ra khu vực biển hở thuộc thị xã Nghi Sơn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân đã phát triển đa dạng các đối tượng nuôi. Đối với diện tích lồng nuôi nước ngọt, ngoài những đối tượng nuôi truyền thống, như: cá chép, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá diêu hồng, cá rô phi, cá tầm, các loài cá da trơn, người dân còn phát triển một số loại giống đặc sản, như: cá bỗng, cá anh vũ, cá ngạnh, cá chiên... Đối với diện tích nuôi nước mặn, người dân đã phát triển nuôi cá song, cá chim vây vàng, cá hồng, cá tráp, cá vược, cá giò, cá cảnh biển, tôm hùm, ốc hương... Cùng với việc mở rộng diện tích nuôi, người dân đã chú trọng phát triển nuôi cá lồng theo quy mô hàng hóa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi sang lồng nuôi công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Huyện Thường Xuân có diện tích mặt nước lớn từ hệ thống sông suối và lòng hồ Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng chính là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2015, nghề nuôi trồng thủy sản của huyện đã có chuyển biến tích cực, từ đánh bắt, người dân đã chuyển sang tổ chức nuôi trồng tập trung. Trong đó, huyện đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135, 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới để thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt. Sau thời gian triển khai, đến nay, toàn huyện đã phát triển được 500 lồng cá. Trong đó, có 214 lồng được nuôi thả tại các hồ thủy điện, thủy lợi, mang lại giá trị kinh tế hàng chục triệu đồng/lồng/năm.

Ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, cho biết: Để giúp người dân phát triển nghề nuôi cá lồng, năm 2018, UBND huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Theo đó, những lồng cá đạt tiêu chuẩn sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn các hộ nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng liên kết, bao tiêu sản phẩm để bảo đảm giá trị kinh tế. Do đó, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 4 doanh nghiệp, HTX đầu tư nuôi cá lồng và khoảng hơn 60 hộ thành viên HTX tham gia nuôi cá trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện. Huyện đang khuyến khích các hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ phát triển bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần quảng bá chất lượng của sản phẩm thủy sản của huyện trên thị trường.

Ngoài huyện Thường Xuân, các hộ dân thuộc các huyện Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Mường Lát, thị xã Nghi Sơn... cũng phát triển diện tích nuôi cá lồng. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi cá lồng vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, nuôi theo kinh nghiệm, chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật... dẫn đến hiệu quả nuôi cá lồng chưa ổn định, bộc lộ những nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Trước thực trạng trên, để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ, Trường Đại học Hồng Đức, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình trình diễn tại các huyện Thường Xuân, Thạch Thành... để chuyển giao, nhân rộng mô hình cho các địa phương.

Ngày 28-12-2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4716/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi cá lồng đạt 200 ha với 3.700 lồng, tương đương thể tích lồng nuôi khoảng 335.000 m3, trong đó, nước ngọt 3.000 lồng, nước mặn 700 lồng. Nghề nuôi cá lồng dự kiến giải quyết việc làm cho hơn 5.800 lao động thường xuyên, hơn 20.000 lao động thời vụ và dịch vụ phục vụ nuôi cá; 100% cơ sở nuôi cá lồng nắm được kiến thức về kỹ thuật nuôi cá lồng và bảo vệ môi trường sinh thái; 50% cơ sở nuôi cá lồng áp dụng quy trình sản xuất nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) hoặc tương đương...

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-ca-long/189982.htm