Phát triển bền vững nghề nuôi biển Việt Nam

Ngày 25/11, tại thành phố Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị 'Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam'.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Mặc dù vậy, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn; đối tượng nuôi phong phú như: Các loài cá biển có giá trị cao, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển…

Mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10/2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).

Về nuôi biển, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

“Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn.

Riêng với tôm hùm, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió cùng với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thủy sản, trong đó có nuôi trồng thủy sản.

Nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển đóng vai trò đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội tại Khánh Hòa. Diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 85.000ha với 8,9 triệu m³ lồng với tổng sản lượng gần nuôi 750 nghìn tấn/năm góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 11 tỷ USD.

Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản.

Các đối tượng nuôi chính trên biển tại địa phương là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm… trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích.

Tôm hùm là đối tượng mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, người nuôi trên địa bàn đang gặp khó khăn.

Hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao.

Cùng với đó, công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả đặc biệt là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham luận và đóng góp ý kiến của các cơ quan quản lý ở Trung ương, các Sở, ban ngành, địa phương ven biển; các doanh nghiệp trong Hiệp hội cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để chúng ta cùng nhau tìm ra các giải pháp để quản lý, kiểm soát con giống tôm hùm giống cũng như con giống nuôi biển nhập khẩu, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi biển nói chung và đối với con tôm hùm nói riêng, tháo gỡ khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Đồng thời giúp tỉnh Khánh Hòa có những định hướng nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh theo phương thức nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoàng Sơn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-bien-viet-nam-365216.html