Phát triển bền vững ĐBSCL - Bài 2: Thời cơ mới cho vựa lúa Việt Nam

Tay quệt ngang trán lau đi những giọt mồ hôi đang tuôn trong cái nắng chói chang của vùng Đồng Tháp, nông dân Nguyễn Văn Một nhoẻn miệng cười chỉ tay vào đám ruộng trước mặt: 'Lúa nhà tui đây, còn khoảnh kia là của anh em trong nhóm. Chỗ này chúng tôi hợp đồng hết rồi. Đến mùa thu hoạch là chở vô nhà máy thôi'. Trên khuôn mặt rám nắng lộ nét lạc quan khi nhìn những ruộng lúa đang tươi tốt, chú nói: 'Mấy mùa nay hợp đồng với nhà máy ổn định, có tiền hơn, vợ tui cũng ủng hộ, không càm ràm, làm ăn cũng lên hương hơn'.

Tỉnh An Giang đang thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Từ sản xuất nông nghiệp…

Nông dân Nguyễn Văn Một (trú tại ấp Tân An, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) được người dân nơi đây gọi bằng cái tên Mười Một như cách giản dị mà người Nam Bộ hay gọi. Chú Mười Một có thể được coi là một nông dân thế hệ 4.0 điển hình. Là trung gian cho nhóm 17 hộ dân ký hợp đồng cung cấp lúa cho Nhà máy xay xát gạo Lấp Vò (Tập đoàn Sunrice của Australia), chú Mười Một cho biết, cả nhóm có 24 ha lúa, trong đó, gia đình chú có hơn 7 ha, ký hợp đồng cung cấp cho Sunrice đã sang mùa vụ thứ 4.

Ba vụ trước, Nhà máy gạo đều đưa ra mức giá thu mua ổn định. Quá trình chăm sóc lúa, các kỹ sư nông nghiệp của Nhà máy cũng thường xuyên xuống thăm ruộng, trợ giúp nông dân chăm sóc quá trình sinh trưởng của cây lúa. “Giờ chăm lúa cũng nhàn thôi, cứ theo sát quy trình kỹ thuật. Khâu bón phân, xử lý thuốc đã có cơ giới máy bay lo rồi”, ông Mười Một chia sẻ.

Đến kỳ thu hoạch, khác với trước đây, thương lái thường chở ghe đến ruộng thu mua của nông dân theo giá thường là thấp hơn thị trường. Nay, chú Mười Một và các nông dân trong nhóm thuê ghe chở đến nhà máy. Chú vui vẻ cho biết: “Ngày xưa bán cho thương lái, giao tại ghe, giờ bán cho nhà máy, mình phải tổ chức bài bản, thuê ghe đàng hoàng chở đến cho nhà mày. Hổng biết thì thôi chứ biết thấy cũng dễ dàng à!. Tiền công chuyên chở lúa được nhà máy tính vô giá mua lúa rồi nên anh em ở đây cũng đồng tình với tui, làm khỏe lắm".

Khi được hỏi, giờ giá thị trường cao quá, nông dân mình có chừa lại một ít bán ra ngoài không, chú Mười Một lắc đầu quầy quậy: "Không, đâu có làm vậy được, ký hợp đồng bán cho nhà máy rồi thì phải bán hết chứ, làm vậy nói chuyện được với ai, đâu còn uy tín với anh em nữa”. Chú Mười Một cũng cho biết, thấy nhóm của chú làm ăn ổn định với Nhà máy, nhiều hộ lân cận cũng muốn tham gia nhóm, nhờ chú Mười Một tư vấn, ký hợp đồng bao tiêu với Nhà máy.

Chú Mười Một và những nông dân trong nhóm của chú là những nông dân được hưởng lợi từ Dự án “Chuỗi giá trị gạo bền vững cho nông hộ nhỏ tại Đồng bằng sông Cửu Long” có nguồn kinh phí tài trợ khoảng 2,6 triệu AUD đến từ ngân sách Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia và Tập đoàn Sunrice (Australia) thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đối tác chính tại Việt Nam của dự án là Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ), Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp cùng một số công ty trực thuộc Tập đoàn Sunrice.

Dự án nhằm mục tiêu thiết lập một chuỗi giá trị gạo cho năng suất cao, bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng cho gạo hạt ngắn nhiệt đới với những đặc tính cụ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu của Sunrice.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín (Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ), đối tượng hưởng lợi từ dự án là các hộ nông dân trồng lúa quy mô nhỏ, các nhóm nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Khi tham gia dự án, họ sẽ được hỗ trợ tăng cường năng lực và mở rộng các cơ hội để tham gia chuỗi liên kết với các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Dự án cũng có một hợp phần nghiên cứu được triển khai ở Bắc Australia nhằm hỗ trợ cho các hoạt động nhân giống tại Việt Nam. Theo đó, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lai tạo và phát triển giống lúa Japonica hạt ngắn cho năng suất cao, chịu được áp lực sinh học và phi sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng các trong yêu cầu chất lượng cao đối với thị trường quốc tế của Sunrice. Đồng thời hoạt động nhân giống ở Australia sẽ nghiên cứu việc sử dụng các phương pháp tiếp cận di truyền thế hệ mới gồm: Hỗ trợ đánh dấu và chọn lọc bộ gen trong giai đoạn tiền nhân giống. Việc này nhằm hỗ trợ công tác nhân các giống có khả năng kháng bệnh trên cây lúa.

Các kết quả nghiên cứu nhân giống ở Australia sẽ được chia sẻ với chương trình nhân giống ở Việt Nam để hỗ trợ phía Việt Nam áp dụng các công nghệ mới trong nghiên cứu các giống phù hợp với khí hậu nhiệt đới.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín đánh giá, thông qua dự án này, người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp cận được với những giống lúa tốt, cho năng suất cao, chống chịu được với những tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng các yêu cầu chất lượng cao của thị trường quốc tế. Người nông dân còn được nâng cao tri thức, thực hành các khâu thu hoạch đúng tiêu chuẩn, giúp giữ được phẩm cấp lúa và giá trị sản phẩm. Họ sẽ hiểu được thế nào là chuỗi giá trị gạo bền vững, từ đó có được lợi ích từ điều này. Từ việc phụ thuộc nhiều vào thương lái mỗi khi đến vụ, không tiếp cận được thị trường, thông qua dự án này, họ cũng được kết nối với các thị trường xuất khẩu giá trị cao.

Điểm mới của Dự án này là, doanh nghiệp phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu sau đó mới ký hợp đồng với nông dân đối với những sản phẩm đạt chất lượng cao, tiếp cận được với các thị trường quốc tế. Điều này giúp tạo niềm tin, tinh thần hợp tác cho người nông dân, từ đó xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín, chuỗi giá trị lúa gạo bền vững được thể hiện qua 3 điểm: Kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững. Tuy nhiên, đến nay, bền vững về kinh tế luôn được đặt trọng tâm. Qua hơn 1,5 năm vận hành dự án này, doanh nghiệp và nông dân nơi đây đang có sự kết nối khá vững chắc về mặt kinh tế. Người nông dân được tiếp cận với thị trường quốc tế rộng lớn có sẵn của doanh nghiệp, được tiếp cận với những tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, canh tác, thu hoạch để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Đây là hướng đi phù hợp với ngành lúa gạo của Việt Nam.

"Hướng đi này sẽ có những doanh nghiệp, nông dân đi trước. Những doanh nghiệp, nông dân khác, dù với tập quán canh tác hay truyền thống kinh doanh thế nào thì với áp lực thị trường, áp lực về xu hướng, sẽ phải chuyển đổi phương thức để cạnh tranh với thị trường thế giới", Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tín nhận định.

… đến kinh tế nông nghiệp

Đến nay, tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp bắt đầu đã bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, vào các doanh nghiệp. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng phát biểu: “Ngành Nông nghiệp thời gian tới phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng, với những tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và thương hiệu phải được xây dựng từ "nhân hiệu"”.

Người nông dân không còn đơn thuần chỉ biết chăn nuôi, trồng trọt. Họ đang từng ngày từng giờ cập nhật kiến thức nông học, tiếp cận với thế giới, sử dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác, thu hoạch. Như chú Mười Một và nhiều nông dân khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng máy bay không người lái để bón phân, rải thuốc hay các máy móc hiện đại khác trong canh tác lúa đã trở nên quen thuộc. Không còn cảnh “Ngửa mặt trông trời” hay “may nhờ rủi chịu”, canh tác mùa vụ được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, đáp ứng đầy đủ những điều kiện nghiêm ngặt của những thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…

Tỉnh An Giang hiện có 23 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, Giáo sư “gạo” của Việt Nam cho rằng, tình trạng “trúng mùa, rớt giá” của nền nông nghiệp Việt Nam cần phải chấm dứt. “Nếu nền “kinh tế giải cứu” còn tồn tại, nông dân sẽ tiếp tục sản xuất. Do đó, người nông dân cần được phổ biến, cập nhật kiến thức về kinh tế nông nghiệp để có thể tự tính toán, giải quyết được các yếu tố về nhu cầu thị trường, chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, chuỗi ngành hàng giá trị bền vững thì mới có thành công.

“Người nông dân cũng cần biết chủ động liên kết, cùng bắt tay nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất lúa sạch, rau quả sạch, hoặc vùng công nghiệp thủy sản sạch, cung cấp cho doanh nghiệp, từ đó sản phẩm của nông dân sẽ được tiêu thụ ở thị trường quốc tế”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người nông dân cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp. Kết nối này cần được thực hiện trên tinh thần minh bạch, công bằng, phát huy lợi ích nhiều mặt, từ đó, ngành nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thích ứng với những tác động không mong muốn hay đón nhận cơ hội từ thách thức này tùy thuộc vào quyết định của từng nông dân. Thay đổi để thích ứng, học hỏi để thành công, chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không dễ nhưng với sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia nông nghiệp, với sự cần cù, sáng tạo của nông dân Việt, ngành Nông nghiệp Việt Nam, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ đón được những thời cơ mới.

Bài 3: Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-dbscl-bai-2-thoi-co-moi-cho-vua-lua-viet-nam-20230830172800123.htm