Phát thanh truyền hình trong kỷ nguyên công nghệ: Thay đổi để tồn tại

Các đài phát thanh và truyền hình, ở tầm quốc gia hay địa phương, đều là những cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Song, với sự phát triển cực kì nhanh chóng của công nghệ đã đặt nhiều cơ quan báo chí trước những khó khăn, thách thức chưa từng có.

Doanh thu quảng cáo giảm liên tục và rơi theo chiều thẳng đứng

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 64 đài địa phương, 2 đài quốc gia, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, 1 đài truyền hình kỹ thuật số.

Hiện nay, hoạt động kinh tế của các đài phát thanh, truyền hình đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình trên cả nước đã giảm từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo thông tin từ Viettel, video ngắn đang trở thành xu hướng nội dung phổ biến trên mạng xã hội với con số "khủng" là 97% người dùng Internet xem video ngắn.

Thời gian trung bình mỗi người xem video ngắn trên TikTok mỗi ngày là 46 phút. Rõ ràng, người hâm mộ truyền hình truyền thống ngày càng chuyển dịch đến việc xem trên các nền tảng OTT, YouTube và các mạng xã hội khác.

Doanh thu chính của truyền hình truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào nguồn quảng cáo. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong thói quen xem phim của người dùng, nguồn doanh thu này đang suy giảm theo thời gian. Quảng cáo dường như đã dịch chuyển từ truyền hình truyền thống sang các mạng xã hội, nơi các video ngắn đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình trên cả nước đã giảm từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước.

Nhắc đến những hiện trạng thách thức, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông để thu hút độc giả và thị phần quảng cáo trực tuyến dẫn đến áp lực lớn trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất và tăng nguồn thu quảng cáo. Chi phí triển khai và duy trì các hệ thống công nghệ mới gây áp lực tài chính lớn cho cơ quan truyền thông.

"Hơn nữa, các cơ quan quản lí báo chí hiện chưa đưa ra các chính sách để các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ về chi phí thuê hạ tầng, đường truyền cho các cơ quan báo chí", ông Phạm Mạnh Hùng cho hay.

Về nhân lực, ông Phạm Mạnh Hùng chia sẻ, hiện nay các cơ quan báo chí nói chung đang thiếu các chuyên gia công nghệ có kĩ năng và hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực truyền thông. Vấn đề đào tạo và khả năng thích ứng của nhân viên hiện tại với các công nghệ mới có thể làm chậm quá trình chuyển đổi và tạo ra sự khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực

Là cơ quan báo chí chủ lực của Thủ đô Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) Hà Nội cũng nằm trong bối cảnh đầy thách thức và khó khăn đó. Ông Nguyễn Kim Trung - Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài PTTH Hà Nội cho biết, trong 10 năm từ 2011 - 2021, Đài đã mất rất nhiều khán thính giả, không còn nằm trong top 10 các đài và kênh truyền hình có chỉ số rating cao nhất Việt Nam theo số liệu của Kantar Media. Doanh thu quảng cáo giảm liên tục và từ năm 2016 đã rơi theo chiều thẳng đứng.

Các thể loại chương trình quan trọng nhất trong phát thanh và truyền hình như thời sự, âm nhạc, giải trí, thể thao, phim truyện,... đều không có chương trình có dấu ấn.

"Hệ thống hạ tầng kĩ thuật của một đơn vị phát thanh truyền hình có vai trò quan trọng, nhưng ở Hà Nội là một hệ thống có thể sập bất cứ lúc nào vì chắp vá và cũ kĩ. Thậm chí đến ngày hôm nay, cán bộ của Đài vẫn dùng những chiếc máy tính sử dụng Window 95 và đến nay đã khai thác gần 30 năm", ông Nguyễn Kim Trung nêu thực trạng.

Thay đổi hoặc không tồn tại

Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, ông Nguyễn Kim Trung chia sẻ, từ năm 2022, Đài PTTH Hà Nội đã thực hiện một chương trình cải tổ triệt để mà Đảng ủy và Ban Biên tập, cán bộ nhân viên của Đài đặt mục tiêu rất cụ thể là đưa Đài thoát khỏi khủng hoảng, từng bước phát triển và lấy lại vị thế.

"Đài PTTH Hà Nội đã tự đặt mình trong một tư duy thay đổi triệt để, tự tạo ra một áp lực rất lớn để đổi mới, đó là tư duy “Thay đổi hoặc không tồn tại”, vì Đài cho rằng nếu chỉ tồn tại như một cơ quan trong hệ thống hành chính của thành phố mà không có hoạt động và công chúng thực chất, thì đó không phải là sự tồn tại cần có của một cơ quan báo chí giàu truyền thống như Đài Phát thanh và Truyền hình", ông Nguyễn Kim Trung nhấn mạnh.

Kim chỉ nam trong công tác đổi mới, theo ông Nguyễn Kim Trung là lấy công chúng làm mục tiêu của hoạt động nội dung và công nghệ là động lực cho sự thay đổi.

Ông Nguyễn Kim Trung cho biết, trong giai đoạn tới, những khó khăn thách thức còn ở phía trước, nhưng Đài PTTH Hà Nội kiên định con đường của mình trong hành trình đổi mới đầy chông gai, không chỉ Đài PTTH Hà Nội mà nhiều cơ quan báo chí đang gặp phải. (Ảnh: Sơn Hải)

"Chúng tôi thực hiện chuyển đổi số một cách thực chất và từ những hoạt động cơ bản nhất, tăng tốc độ để hình thành cấu trúc tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đại của Thủ đô. Áp dụng những yếu tố phù hợp trong phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại vào trong quản lí hoạt động của đơn vị. Đặc biệt, sự kiên nhẫn, kiên trì dám đối mặt với những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình đổi mới là điều vô cùng quan trọng", Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội cho biết.

Năm 2023, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng của tập thể cán bộ phóng viên Đài PTTH Hà Nội đã có những khởi sắc bước đầu quan trọng. Nội dung chương trình đang được đổi mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng đúng nhu cầu của công chúng và yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới. Kinh tế báo chí được củng cố với tổng doanh thu năm 2023 ước tăng trưởng 26% so với năm 2022 và tăng 53% so với năm 2021.

Đến 31/12/2023, theo kết quả đo lường của Kantar Media Việt Nam, năm 2023, kênh HÀNỘI 1 đã trở lại là một trong 10 kênh truyền hình được xem nhiều tại khu vực Hà Nội.

Trong giai đoạn tới, những khó khăn thách thức còn ở phía trước, theo ông Nguyễn Kim Trung để các cơ quan báo chí nói chung và các Đài PTTH nói riêng, vượt qua chông gai, vững vàng với sứ mệnh báo chí cách mạng, thời gian tới, cần sớm đánh giá thực chất kết quả của việc thực hiện quy hoạch báo chí và có những điều chỉnh kịp thời để có hành lang và không gian phát triển phù hợp cho các cơ quan báo chí.

Các chính sách hỗ trợ báo chí trong bối cảnh hiện nay cần sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt là các chính sách pháp lí có liên quan đến đặt hàng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị đối với cơ quan báo chí.

"Câu chuyện của Đài, chúng tôi nghĩ cũng có thể có một số điểm chung với nhiều cơ quan báo chí khác trong cả nước. Chúng tôi nghĩ rằng sự chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và đặc biệt trong quá trình thay đổi, thích ứng với tình hình mới giữa các cơ quan báo chí là hết sức cần thiết.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm thực chất của các cơ quan chủ quản cùng với hành động quyết liệt của chính các cơ quan báo chí, chúng tôi cho rằng đó là chìa khóa và điều kiện quan trọng nhất để các cơ quan báo chí của chúng ta vượt qua khó khăn và tiếp tục cống hiến, phụng sự cho sự phát triển của đất nước", ông Nguyễn Kim Trung nhận định.

Hoàng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-thanh-truyen-hinh-trong-ky-nguyen-cong-nghe-thay-doi-de-ton-tai-post279822.html