Phát thanh năng động trong môi trường số

Trong môi trường số, phát thanh không thể duy trì format cũ. Công chúng báo chí, cách tiếp cận thông tin của thính giả nghe đài phát thanh đang thay đổi, chuyển từ xu thế nặng về tiếp nhận một chiều sang tiếp nhận tương tác đa chiều. Người nghe phát thanh không chỉ trên radio như trước khi mà họ nghe mọi lúc, mọi nơi và bất kỳ lúc nào với những thông tin họ muốn.

Đây cũng chính là một trong những chủ đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý cơ quan báo chí đưa ra tại Diễn đàn báo chí trong chiều 16-3.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Sự phát triển của công nghệ truyền thông số, trí tuệ nhân tạo cho phép tự động hóa quá trình cung cấp, truy cập và quản lý nội dung đã tạo ra những thách thức cho ngành truyền thông nói chung và phát thanh nói riêng. Cơ hội cho phát thành luôn có nhưng bắt buộc các đài, những người làm báo nói buộc phải chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất để thích ứng và phát triển trong môi trường số.

Các diễn giả, lãnh đạo quản lý cơ quan báo chí tham dự hội thảo Phát thanh năng động trong môi trường số

Tại diễn đàn, các diễn giả rất trăn trở, tiếc cho nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ cho phát thanh khi những người thực hiện không tận dụng được thế mạnh của kỹ năng truyền thông đa phương tiện, không cá nhân hóa được thông tin để phát huy thế mạnh của phát thanh.

Thạc sĩ, nhà báo Phan Văn Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Vấn đề đặt ra không phải là chúng ta đóng gói chương trình phát thanh đưa lên nền tảng số là đã thực hiện chuyển đổi số. Đưa các nội dung phát thanh lên các hạ tầng của nền tảng số phải có những kỹ thuật nhất định. Một sản phẩm phát thanh xuất hiện trên môi trường Internet phải là một chỉnh thể truyền thông nên nó cần có những yếu tố đa phương tiện như là hình ảnh, các lời dẫn phù hợp để thu hút công chúng, chứ chúng ta không thể nào quẳng cả gói lên trên mạng được”.

Thạc sĩ, nhà báo Phan Văn Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại chương trình

Tại diễn đàn, Giám đốc - Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) Nguyễn Thị Minh Nhâm cho biết: Trong câu chuyện phát thanh để đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, bất cứ khi nào và nghe cái mình muốn, BPTV thực hiện những phương thức phát sóng trực tuyến, podcast, livestream... trên hạ tầng số để khán, thính giả nghe đài phát thanh không cần ăng-ten trên các hạ tầng số của BPTV và báo điện tử.

BPTV cũng đã tạo ứng dụng trên điện thoại thông minh để công chúng chỉ cần “click” có thể nghe được chương trình phát thanh của BPTV mà không giới hạn về địa lý, thời gian, văn hóa hay ngôn ngữ. Xây dựng thêm format mới, kịch bản dạng radio thực tế, tăng tính tương tác với thính giả để cập nhật thông tin hai chiều, tránh nhàm chán. Phát thanh trong kỷ nguyên số không chỉ là sự thay đổi hạ tầng truyền dẫn hay các nền tảng “phát sóng” mà còn là sự thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi nếp tư duy làm nghề. Nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số cần chú trọng hơn đến các kỹ năng nghiệp vụ đặc thù trước yêu cầu mới.

Rõ ràng, sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo. Các diễn giả, lãnh đạo quản lý cơ quan báo chí đều thống nhất tính cấp thiết, cần thiết của việc chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong phát thanh nói riêng. Công tác này cần có sự nhất quán thay đổi trong nhận thức, xác lập quyết tâm để thực hiện chuyển đổi số.

Phạm Quang - Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/155338/phat-thanh-nang-dong-trong-moi-truong-so