Phát thải CO2 của ngành năng lượng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022

Theo cảnh cáo từ một nghiên cứu quan trọng vừa được công bố ngày 26/6, lượng phát thải carbon dioxide (CO2) từ ngành năng lượng toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, trái với các cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris, và nhấn mạnh những tác động 'tồi tệ nhất từ trước đến nay' của biến đổi khí hậu.

Khí thải thoát ra từ Nhà máy điện than Weisweiler ở Đức. Ảnh: Reuters/Nhandan

Đánh giá thống kê mới nhất về Năng lượng Thế giới của Viện Năng lượng có trụ sở tại Anh nêu rõ: “Lượng khí thải carbon dioxide từ việc sử dụng năng lượng, quy trình công nghiệp, đốt sáng và khí mêtan... tiếp tục tăng lên mức cao mới là 0,8% trong năm 2022”.

Đánh giá cho thấy mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp đã tăng khoảng 1% trong năm ngoái so với năm 2021, và tăng gần 3% so với mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019.

Đáng chú ý, bảng đánh giá chỉ ra rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu với 82% lượng tiêu thụ, bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, tổng hợp nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã đạt mức kỷ lục 12% tổng sản lượng điện, nhờ mức tăng công suất lớn nhất từ trước đến nay của cả hai.

Nhu cầu về nhiên liệu cho giao thông vận tải tiếp tục tăng trở lại từ mức trước đại dịch, mặc dù nhu cầu trong mảng này của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp hơn “đáng kể” do tác động liên tục của các các biện pháp hạn chế theo chính sách “Zero COVID” trước đó.

Với các số liệu thực tế thu được, Chủ tịch Viện Năng lượng Juliet Davenport cảnh báo lĩnh vực này đang đi theo “hướng ngược lại” với các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris.

“Năm 2022 đã chứng kiến một số tác động tồi tệ chưa từng có của biến đổi khí hậu: lũ lụt tàn phá ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Pakistan, các đợt nắng nóng kỷ lục trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ… Mặc dù năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong lĩnh vực điện năng đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nhưng tổng lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng trở lại. Điều này cho thấy chúng ta vẫn đang đi ngược hướng với yêu cầu của Thỏa thuận khí hậu Paris”, bà Davenport nói.

Theo Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các quốc gia cam kết sẽ đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này, với mục đích hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Richard Forrest, chủ tịch Viện Chuyển đổi Năng lượng tại Kearney, nói thêm rằng lượng khí thải nhà kính tăng cao đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để đưa thế giới đi đúng hướng, nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.

Theo ông Forrest, năm 2022 là một “năm đầy sóng gió” khi vấn đề an ninh năng lượng được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự do xung đột Nga - Ukraine gây ra những tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu về năng lượng, và nhu cầu về năng lượng gia tăng trở lại sau đại dịch COVID-19.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/phat-thai-co2-cua-nganh-nang-luong-toan-cau-dat-muc-cao-ky-luc-trong-nam-2022-129431.html