Phát tài nhờ nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Hòa Bình

Hồ Hòa Bình không những nổi bật với phong cảnh sơn thủy hữu tình mà nơi đây còn đang trở thành điểm nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế.

Ảnh minh họa

Tiềm năng mặt nước lớn

Hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà có chiều dài 230km, dung tích khoảng 9,45 tỷ m3. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Với lợi thế có tổng diện tích mặt nước rộng trên 8.800ha, lòng hồ rộng lớn với hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước được ví như vịnh Hạ Long ở trên núi, hồ Hòa Bình không chỉ là địa điểm phát triển du lịch mà còn là nơi nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế.

Nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa có ưu thế là nước sạch, hàm lượng ôxy lớn nên cá lớn nhanh, ít bị bệnh, chất lượng thịt ngon, vị ngọt, thơm. Việc nuôi cá lồng giúp cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc sinh sống quanh khu vực lòng hồ, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ chia sẻ rằng nghề nuôi cá lồng khu vực lòng hồ Sông Đà phát triển đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh Hòa Bình có 2.700 ha diện tích mặt nước với 4.940 lồng nuôi cá, sản lượng thu hoạch ước đạt 9.210 tấn/năm. Hiện nay, phong trào nuôi cá lồng bè của các hộ dân, doanh nghiệp đã phát triển khá mạnh, tập trung ở một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện ven lòng hồ sông Đà như Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc... với các loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm, rô phi đơn tính, chiên, ngạnh, nheo, bỗng, tầm…

Cá đặc sản, lợi nhuận cao

Với tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nuôi cá lồng bè trên vùng hồ Hòa Bình. Điển hình là Trại nuôi cá Cường Thịnh Fish (Công ty TNHH Cường Thịnh) với quy mô hơn 3ha, đây là một trong những doanh nghiệp nuôi cá lồng quy mô lớn trên hồ Hòa Bình.

Trại nuôi cá Cường Thịnh Fish nằm cách cảng Bích Hạ (xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) khoảng 30 phút đi thuyền máy. Hiện nay đơn vị này đang nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP với 10 loại cá khác nhau, từ phổ thông như: cá rô, cá riêu, cá chép, trắm cỏ,…, đến các loại cá đặc sản như: trắm đen, ngạnh sông, dầm xanh, cá chiên, cá lăng... Nhờ nguồn nước sạch của lồng hồ cộng với quy trình chăm sóc đạt chuẩn VietGAP, cá lồng nuôi ở đây cho chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon. Nhiều sản phẩm của trại cá hiện đã được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong nước như: Big C, Vinmart… hay các nhà hàng đặc sản, các bếp ăn công nghiệp.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Phạm Văn Thịnh, giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh, cho biết từ năm 2012, Cường Thịnh Fish bắt đầu nuôi cá lồng trên sông Đà với quy mô ban đầu 10 - 20 lồng. Cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn tại địa phương, đến nay công ty đã phát triển hơn 250 lồng cá. Với mỗi lồng cá, tùy vào từng loại cá mà mỗi lồng sẽ được thả 3.000 con hoặc 1.000 con. Riêng nuôi cá lăng đen theo quy chuẩn VietGap sau 3 năm mới có thể tiến hành thu hoạch. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá lăng đen VietGap thì tỷ lệ sống của cá khi thu hoạch đạt trên 90%, cỡ cá khi thu hoạch có thể đạt từ 2kg – 5kg/con, thậm chí có người nuôi đạt 8 – 9kg/con. Đối với những loại cá nuôi trồng ngắn ngày như cá rô, cá riêu thì mất khoảng 10 – 12 tháng là có thể khai thác được. “Trung bình mỗi năm Cường Thịnh Fish sản xuất và thu mua rồi xuất ra thị trường đạt 1.000 tấn, doanh thu vào khoảng 20 – 30 tỷ đồng”, anh Thịnh nói.

Để đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng cho khách hàng, thức ăn ở trại cá Cường Thịnh Fish là cá bắt trên lòng hồ cộng với cám công nghiệp bằng ngô nghiền. Để phòng bệnh cho đàn cá, trại cá dùng các loại thuốc, chế phẩm có có nguồn gốc thảo dược và nói không với thuốc kháng sinh. “Công ty chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Hòa Bình tiên phong nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap. Chúng tôi đã xây dựng thành công thương hiệu “Cá sông Đà – Cường Thịnh Fish”, năm 2019 sản phẩm cá lăng đen sông Đà fillet và cá rô phi sông Đà fillet của công ty đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, trở thành 2 sản phẩm OCOP tiềm năng nhất của tỉnh”.

Ảnh minh họa

Quanh năm lênh đênh trên lòng hồ

Nhiều năm qua, nuôi cá lồng đã giúp hàng chục hộ dân đổi đời nhờ bán các loại cá đặc sản của hồ thủy điện. Bên cạnh đó, những người công nhân làm nghề nuôi cá lồng cũng có cuộc sống khấm khá hơn. Đối với những người làm nghề nuôi cá lồng, quanh năm họ sống lênh đênh trên mặt nước hồ, lấy chòi canh cá làm nhà ở. Hàng ngày, công việc chính của họ là cho cá ăn, thăm cá, phòng chống dịch bệnh cho cá.

Những người lao động ở đây cho rằng, nghề nuôi cá lồng không chỉ là công việc mưu sinh thuần túy mà còn là sự đam mê với nghề. Là người gắn bó lâu năm với nghề nuôi cá lồng, anh Hà Công Hưởng (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết: “Tôi cùng vợ lên hồ Hòa Bình cùng sống bám mặt hồ để nuôi cá lồng tới nay đã gần 10 năm. Quanh năm suốt tháng cuộc sống của vợ chồng tôi đều bám mặt hồ, làm bạn với cá, niềm vui duy nhất sau một ngày lao động là được ngắm nhìn đàn cá lớn lên”.

Anh Hưởng cho biết: “Nhờ vào lợi thế lòng sông có diện tích rộng lớn, dòng chảy tự nhiên của sông Đà, nguồn thức ăn dồi dào, cá lồng nuôi tại đây có chất lượng thịt săn chắc, dai và thơm ngon. Khác với các nghề nuôi trồng thủy sản khác, nghề nuôi cá lồng phải đầu tư hệ thống thuyền, bè và các lồng cá được làm bằng các thùng phuy nổi trên mặt nước. Hệ thống các lồng cá được liên kết chặt chẽ với nhau bằng các thanh sắt hàn cố định theo ô bàn cờ, điều này giúp giữ cho các tấm lưới chìm dưới nước. Thông thường, diện tích mỗi lồng cá rộng 15-20m2, thậm chí có lồng lớn rộng tới 30m2. Diện tích lồng nuôi tùy thuộc vào loại cá nuôi và mật độ nuôi sao cho phù hợp”.

Cùng chồng lên lòng hồ Hòa Bình lập nghiệp, vợ anh Hưởng, chị Lưu cho biết: “Gia đình nhà tôi ăn ở trực tiếp trên bè để tiện trông nom, chăm sóc cá. Nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện khó khăn lớn nhất đó là phải duy trì được thức ăn cho cá hàng ngày, bởi việc nuôi cá đặc sản nếu không cho ăn thường xuyên sẽ tạo tính ỳ của cá, cá gầy sẽ hao đàn, vô cùng khó xử lý”.

Chưa kể, việc nuôi cá ở lòng sông Đà có khoảng cách xa bờ, xa khu dân cư nên các hoạt động sinh hoạt thường ngày ở đây khá bất tiện, khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất đó là việc đưa đón con đi học do thời gian đi thuyền từ lồng bè tới thuyền mất khoảng 30 phút. “Vào mùa mưa bão, xung quanh lồng bè mênh mông là nước nên tôi chỉ mong những đứa con của tôi cố gắng học hành, mai này có việc làm tốt hơn, không phải bám hồ nữa”, chị Lưu tâm sự.

Minh Đức

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/phat-tai-nho-nuoi-ca-dac-san-tren-long-ho-hoa-binh-20180504224294940.htm