Phát huy vai trò tổ tiết kiệm vay vốn

Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã trở thành 'cánh tay nối dài' của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất và giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của ngân hàng hiệu quả.

Thông qua tổ TK&VV xóm Lũng Đâư, xã Thái Cường (Thạch An), ông Nông Văn Thuận được vay 200 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm và chương trình cho vay hộ cận nghèo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trang trại tổng hợp. Ông Thuận chia sẻ: Tham gia tổ TK&VV, tôi được hướng dẫn chương trình tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm, được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Với diện tích trên 7 ha, bên cạnh đầu tư trồng các loại cây lâm nghiệp, tôi nuôi thêm trâu; đầu tư mở xưởng sản xuất bột báng, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động chính trong gia đình và 7 lao động theo mùa vụ.

Huyện Thạch An hiện có 143 tổ TK&VV, với dư nợ trên 330 tỷ đồng, chiếm 99,88% tổng dư nợ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Giúp người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ TK&VV tích cực tuyên truyền các chương trình cho vay, quy định thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Quá trình sử dụng vốn, các tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những khó khăn, vướng mắc được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý, cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết.

Gần 3 năm là tổ trưởng, chị Nông Thị Hà, Tổ trưởng tổ TK&VV xóm Nà Cốc, xã Lê Lai (Thạch An) cho biết: Tổ đang quản lý 8 chương trình tín dụng, dư nợ trên 3 tỷ đồng với 36 hộ vay. Quản lý hiệu quả nguồn vốn, tổ xây dựng quy ước hoạt động; bình xét vay vốn thực hiện công bằng, công khai, minh bạch; việc thu lãi và gửi tiết kiệm thực hiện tập trung tại nhà văn hóa xóm; đảm bảo tổ viên nộp lãi, trả gốc đúng hạn. Đối với các hộ mới vay vốn, sau 30 ngày giải ngân, tổ kiểm tra việc sử dụng vốn, nếu có hộ nào sử dụng chưa đúng mục đích sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Từ đó, tổ viên có ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn.

Các tổ tiết kiệm và vay vốn giao dịch tại xã Lê Lai (Thạch An).

Xác định vai trò quan trọng của các tổ TK&VV, NHCSXH Chi nhánh tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ TK&VV về việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách và mục đích sử dụng vốn vay tại cơ sở; kiểm tra mục đích sử dụng vốn sau cho vay. Định kỳ hằng tháng, tại các buổi giao dịch cố định tại các xã, thị trấn, các tổ trưởng tổ TK&VV trực tiếp tham gia giao ban với ngân hàng, kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay có hướng xử lý... Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.000 tổ TK&VV đang hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến tay người thụ hưởng nhanh chóng, công khai, hiệu quả. Qua đánh giá, 100% tổ TK&VV tham gia giao dịch tại xã, phường, thị trấn và có số dư tiền gửi, 96,43% tổ xếp loại tốt.

Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đặng Trung Hồng khẳng định: Các tổ TK&VV như những “cánh tay nối dài” của ngân hàng, không chỉ chuyển tải nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đến người dân, còn giúp việc quản lý vốn vay tốt hơn, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, hạn chế tiêu cực phát sinh trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Qua đó, thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trong những năm qua, các tổ TK&VV quản lý hiệu quả nguồn vốn, giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-vai-tro-to-tiet-kiem-vay-von-3168307.html