Phát huy vai trò người dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới

Để mỗi người dân là một 'cột mốc sống' bảo vệ chủ quyền biên giới, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp nhân dân tuần tra, kiểm soát, bảo vệ sự bình yên trên biên giới và giúp người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế.

VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC QUAN TRỌNG

Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tiếp giáp vùng biển tây Nam, gần các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Kiên Giang có đường biên giới bộ dài 49,677km, tiếp giáp với hai tỉnh Kampot và Takeo (Vương quốc Campuchia), có bờ biển dài hơn 200km, vùng biển khoảng 63.000km2.

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy hiệu quả vai trò của các trưởng ấp, cựu chiến binh, đoàn viên, hội viên, chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc... tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới.

Cùng với đó, theo Đại tá Huỳnh Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp triển khai thực hiện nhiều chương trình, hành động hướng về biên giới, hải đảo với nhiều hoạt động công tác an sinh xã hội, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh của địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đến thăm hỏi gia đình bà Chao Thị Sỉu (bìa trái), ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên.

Giai đoạn 2019-2024, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tham gia giúp dân lao động, sản xuất được gần 14.000 ngày công, giúp dân sửa chữa trên 650 căn nhà, xây nhà mới 22 căn nhà; nhận phụng dưỡng đến cuối đời 27 đối tượng chính sách, người già neo đơn và hỗ trợ trẻ mồ côi; vận động hơn 1.600 học sinh bỏ học trở lại trường; đóng góp gần 12.500 ngày công xây dựng trường, lớp; hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng tiền mặt và dụng cụ học tập cho học sinh... Các hoạt động góp phần giúp người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế và tăng cường tình đoàn kết giữa người lính quân hàm xanh và nhân dân.

TỰ NGUYỆN BẢO VỆ ĐƯỜNG BIÊN, CỘT MỐC

Về biên giới huyện Giang Thành (Kiên Giang), chúng tôi gặp nhiều người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm. Đồng chí Huỳnh Công Tấn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành cho biết Hội Cựu chiến binh xã thành lập tổ tuần tra biên giới từ năm 2018 đến nay.

Hội Cựu chiến binh xã còn phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành và các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến quy chế biên giới cho người dân có đất sản xuất khu vực biên giới, tuyên truyền các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, phòng, chống buôn bán người, ma túy và các tệ nạn xã hội…, thu hút hàng trăm lượt cán bộ, hội viên và quần chúng tham gia.

Qua đó, giúp người dân ở khu vực biên giới nói chung và hội viên cựu chiến binh, hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên nói riêng nâng cao nhận thức về quy chế, quy định biên giới; kịp thời phát hiện, tố giác các phần tử xấu có những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới.

Trong đội hình tuần tra của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành có sự góp mặt của những cựu chiến binh, hội viên phụ nữ và người dân.

Dù năm nay đã 76 tuổi, ông Huỳnh Văn Suôl, ngụ ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa vẫn thường xuyên có trong đội hình tuần tra của bộ đội biên phòng. Ông Suôl nói: “Nhà tôi ở gần biên giới nên xem việc bảo vệ đường biên, cột mốc là trách nhiệm thiêng liêng. Trong sinh hoạt hay trong làm đồng, tôi nhắc nhớ các cháu nhỏ chăn trâu, giữ bò đừng phá cột mốc, không tùy tiện qua lại biên giới. Hay thấy có tình hình gì thì kịp thời báo cho bộ đội biên phòng”.

Trung tá Danh Kim Huôl - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành cho biết đơn vị phụ trách đoạn biên giới dài 12,8km, phía đối diện địa bàn quản lý tiếp giáp Campuchia. “Đơn vị đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều chương trình hành động hướng về tuyến biên giới, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự xóm, ấp biên giới, mô hình phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Những cựu chiến binh, hội viên phụ nữ, người dân tự hào khi tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và chụp hình tại cột mốc 302 thuộc địa bàn huyện Giang Thành.

Tại địa bàn Hà Tiên giáp ranh Campuchia, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thường xuyên quán triệt, triển khai công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Chúng tôi theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đến thăm gia đình bà Chao Thị Sỉu, 59 tuổi, ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên). Nhà bà Sỉu cách biên giới chỉ vài chục bước chân, hàng ngày bà làm ruộng, chăn trâu cặp biên giới.

Bà Sỉu nói: “Gia đình tôi rất quý các chú bộ đội biên phòng, hễ có tình hình gì trên biên giới là tôi có báo các chú biết ngay. Chúng tôi tuân thủ pháp luật và tự hào khi được tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc, an ninh, trật tự khu vực biên giới”.

Đến nay, tuyến biên giới đất liền của tỉnh Kiên Giang thành lập 202 hộ, có 816 người đăng ký tự quản mốc quốc giới; thành lập 17 tổ an ninh, trật tự; ở khu vực biên giới biển, đảo của tỉnh thành lập 39 tổ với 460 tàu, 443 thành viên tổ tàu thuyền an toàn và 7 tổ với 39 thành viên bến bãi an toàn.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/quoc-phong-an-ninh/phat-huy-vai-tro-nguoi-dan-trong-bao-ve-chu-quyen-bien-gioi-19610.html