Phát huy vai trò của cộng tác viên khuyến công

Những năm gần đây, các cơ sở, ngành nghề công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Long Khánh phát triển khá mạnh. Nhiều cơ sở may mặc, cơ khí, chế biến gỗ, nông sản, thực phẩm… từng bước xây dựng được thương hiệu, cạnh tranh tốt trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho lao động của địa phương và các vùng lân cận.

Cộng tác viên khuyến công thành phố Long Khánh khảo sát tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát. Ảnh: V.Gia

Trong quá trình đó, Chương trình Khuyến công đã phát huy tốt vai trò nhờ sự đóng góp tích cực của mạng lưới cộng tác viên khuyến công cơ sở.

Doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ khuyến công

Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc) chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm từ mít của người dân trong vùng để cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy, cũng như sản xuất các sản phẩm riêng của doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc công ty, cho hay trong điều kiện hoạt động bình thường, DN mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5 tấn mít tươi cho nông dân. Thời gian gần đây, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn song công ty vẫn luôn mở cửa hoạt động, góp phần giải quyết một khối lượng lớn nông sản của địa phương và được các nhà vườn tín nhiệm.

Để xây dựng thương hiệu và phát triển được sản phẩm từ lợi thế địa phương, DN này đang nỗ lực đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ trái cây, rau, củ, ngoài dòng chủ lực là mít sấy. Ngoài thị trường trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, DN đang làm việc với một số đối tác chuyên xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn như: châu Âu, Trung Đông... Năm 2023, sản phẩm mít sấy của DN đã được địa phương hỗ trợ để đăng ký và đạt được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Tương tự, Cơ sở Sản xuất nấm Phương Linh (phường Xuân An) đã hoạt động trong lĩnh vực cung ứng meo, phôi nấm lâu năm. Từ việc cung ứng nguyên liệu là chủ yếu, Cơ sở Phương Linh những năm gần đây chuyển mạnh sang sản xuất đông trùng hạ thảo. Riêng tại địa bàn Long Khánh, Phương Linh có nhà xưởng sản xuất nấm lên tới hơn 8 sào, bên cạnh đó là 2 nhà xưởng sản xuất ở huyện Xuân Lộc và tỉnh Hà Nam để phục vụ thị trường miền Bắc.

Chủ Cơ sở Nấm Phương Linh Trần Ngọc Đại cho hay, trong quá trình sản xuất, đơn vị nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhất là trong lĩnh vực khuyến công. Phục vụ nhu cầu của khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ, Cơ sở Phương Linh mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và đã được thụ hưởng sự hỗ trợ của chính sách khuyến công địa phương.

“Chúng tôi đầu tư máy sấy thăng hoa để chế biến nấm đông trùng hạ thảo, may mắn là Nhà nước quan tâm, Chương trình Khuyến công địa phương của tỉnh hỗ trợ một nửa kinh phí đầu tư máy móc; đào tạo nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thị trường…” - ông Đại chia sẻ.

Phát huy hiệu quả mạng lưới cộng tác viên khuyến công

Với 15 đơn vị hành chính gồm 11 phường và 4 xã, thành phố Long Khánh hiện có 6 cộng tác viên khuyến công đang hoạt động. Đây là lực lượng hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai (Sở Công thương) nắm bắt nhu cầu của cơ sở công nghiệp nông thôn tại địa phương. Từ đó, kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kịp thời, nhằm giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố có điều kiện phát triển, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trưởng phòng Kinh tế thành phố Long Khánh Nguyễn Bích Hạnh cho hay, với số lượng cộng tác viên khuyến công hiện có của thành phố thì rất khó để quán xuyến hết 15 đơn vị hành chính cấp xã. Điều đó đòi hỏi những người làm cộng tác viên khuyến công phải nỗ lực phát huy vai trò của mình, phối hợp với cấp cơ sở, xã, phường nắm bắt cụ thể tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại Cơ sở Nấm Phương Linh. Ảnh: V.Gia

Chỉ tính riêng quý I-2024, Tổ Cộng tác viên khuyến công của thành phố Long Khánh đã khảo sát 691 cơ sở trên địa bàn 9 phường, xã. Qua đó, các cộng tác viên khuyến công đã nắm bắt, ghi nhận những đăng ký của cơ sở đối với hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất như: Cơ sở Nấm đông trùng hạ thảo Minh Đức (phường Xuân An), Cơ sở Sản xuất rang, xay cà phê MR Công (xã Bàu Trâm) hay bình chọn 10 thợ giỏi cấp tỉnh cho Cơ sở Nước chấm Hoa Sen tại phường Suối Tre…

Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, chuyên viên phụ trách lĩnh vực công thương của Phòng Kinh tế thành phố Long Khánh, chia sẻ việc tham gia mạng lưới cộng tác viên khuyến công địa phương vừa tạo cầu nối giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt chủ trương, chính sách của Nhà nước, vừa tạo cơ hội để cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chương trình hỗ trợ.

Thời gian tới, các cộng tác viên khuyến công sẽ tiếp tục triển khai các chính sách khuyến công đến các cơ sở công nghiệp nông thôn; đồng thời, phối hợp với các đơn vị thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đủ điều kiện thụ hưởng các chính sách khuyến công như: thợ giỏi, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố, cấp tỉnh, hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến để đăng ký vào kế hoạch khuyến công năm 2024.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/phat-huy-vai-tro-cua-cong-tac-vien-khuyen-cong-a775bb8/