Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản

Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di sản vật thể không còn là vấn đề mới, với rất nhiều sự việc xảy ra trong thời gian qua. Các hiện tượng như: môi trường thiên nhiên truyền thống của một số khu di sản bị biến dạng do các công trình xây dựng chung quanh không gian của di sản bị lấn chiếm; môi trường di sản bị ô nhiễm do phát triển du lịch… xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của di sản.

Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di sản vật thể không còn là vấn đề mới, với rất nhiều sự việc xảy ra trong thời gian qua. Các hiện tượng như: môi trường thiên nhiên truyền thống của một số khu di sản bị biến dạng do các công trình xây dựng chung quanh không gian của di sản bị lấn chiếm; môi trường di sản bị ô nhiễm do phát triển du lịch… xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của di sản.

Không chỉ các di sản vật thể, những di sản phi vật thể cũng đang dần mất đi sức sống do thiếu người truyền dạy, thiếu người kế thừa. Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã chia sẻ câu chuyện về một thí sinh 15 tuổi trong Liên hoan Ca trù Hà Nội rằng, cô bé yêu ca trù lắm mà không ai dạy, không có ai đệm đàn, nên phải đi nhờ, rồi học mỗi nơi một ít. Và không chỉ ở ca trù, một số di sản văn hóa phi vật thể khác như: hát xoan, hát bài chòi, dân ca Ví Dặm… cũng trong tình trạng tương tự.

Sự phai nhạt dần các giá trị vốn có và nguy cơ mai một di sản không chỉ do ảnh hưởng bởi sự biến đổi môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, mà còn do yếu tố con người, trong đó, chưa phát huy đúng mức và hiệu quả vai trò của cộng đồng là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Theo Công ước năm 2003 của UNESCO, cộng đồng là chủ sở hữu di sản và cũng là người có đủ các điều kiện để bảo vệ di sản nhất. Họ là người xác định, gìn giữ, duy trì, trao truyền và bảo vệ di sản của họ trong mối quan hệ của họ với lịch sử và môi trường tự nhiên chung quanh.

Di sản văn hóa không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Ðể có thể duy trì sức sống cho di sản văn hóa, các di sản ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được "sống", được tôn vinh, được người dân thừa nhận ngay trong chính đời sống cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa có sự tham gia của cộng đồng, dựa vào cộng đồng và vì cộng đồng cũng là cách thức hiệu quả để lưu giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa mà cộng đồng nắm giữ.

Để sự tham gia của cộng đồng có hiệu quả, trước tiên, cần có sự đồng thuận một cách tự nguyện của cộng đồng. Hơn ai hết, cộng đồng là người hiểu rõ nhất về bản sắc văn hóa của họ và có quyền trước hết trong việc quyết định lựa chọn đối tượng văn hóa mà họ muốn bảo tồn. Cộng đồng cũng cần tự nhận thức được vai trò quan trọng của chính mình, đồng thời được khuyến khích trong vấn đề lưu truyền và gìn giữ các di sản văn hóa.

Bản thân các di sản khi được bảo vệ cũng sẽ quay trở lại phục vụ cộng đồng, thông qua các hoạt động du lịch, phát triển hàng hóa, dịch vụ, mang lại nguồn lợi thiết thực về kinh tế. Đặc biệt, cần trao những thông tin cần thiết cũng như những kiến thức đúng, đủ về di sản để cộng đồng có cơ sở khoa học, pháp lý nhằm hạn chế những sai phạm trong các hoạt động bảo tồn di sản.

Bảo tồn di sản là một quá trình liên tục, do đó, cần thường xuyên chia sẻ các kỹ năng, phát triển các chương trình hành động, khuyến khích sự trao đổi giữa các cộng đồng nắm giữ di sản… để từng cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò của mình. Ngoài ra, cần có những hỗ trợ về mặt tài chính đối với những người có trách nhiệm truyền dạy, phát huy giá trị các di sản.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31345902-phat-huy-vai-tro-cua-cong-dong-trong-bao-ton-di-san.html