Phát huy vai trò chủ lực đầu tư nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn

Với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nam Thanh Hóa (Agribank Nam Thanh Hóa) đã vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách đưa nguồn vốn vay đến với người dân, doanh nghiệp. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cán bộ Agribank Nam Thanh Hóa kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của khách hàng doanh nghiệp.

Agribank Nam Thanh Hóa đã và đang có những đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để khách hàng nắm bắt được chủ trương, chính sách tín dụng, nhất là tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp và thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như sử dụng vốn vay được hiệu quả, Agribank Nam Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch Agribank trực thuộc phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể và chính quyền địa phương thành lập các tổ vay vốn; hỗ trợ, tư vấn phương án sản xuất, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Đồng thời, phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế để cho vay, đáp ứng kịp thời về vốn sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế. Trong đó, ưu tiên đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vốn cho phát triển chăn nuôi, các làng nghề, trang trại; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay nhu cầu tiêu dùng để xây dựng, cải tạo nhà ở nông thôn; cho vay các chương trình kinh tế của địa phương như: chương trình chăn nuôi; mua máy móc thiết bị phục vụ mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; đầu tư sản phẩm OCOP...

Cùng với đó, Agribank Nam Thanh Hóa đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi tiền vay, tiếp tục cho vay mới... hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, ngân hàng đã triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, lũy kế đến trung tuần tháng 5/2024 đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho hơn 70 khách hàng, doanh số cho vay gần 500 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ khách hàng gần 7 tỷ đồng. Thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Agribank cho 55.000 khách hàng, dư nợ được giảm lãi gần 13.530 tỷ đồng, số tiền giảm lãi trên 62 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Agribank Nam Thanh Hóa còn triển khai nhiều chương trình chính sách lãi suất cho vay như: cho vay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu; lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ, cho vay hỗ trợ các cá nhân hưởng lương ngân sách, cho vay hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế... Qua đó, đã tạo lực bẩy tăng trưởng kinh tế tại các địa phương.

Để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Nam Thanh Hóa cũng đã chủ động thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn theo quy định; đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, trong đó, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập, duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của các tổ vay vốn, bảo đảm nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Thời gian tới, Agribank Nam Thanh Hóa tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn; mở rộng đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, XDNTM trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tăng trưởng dư nợ năm 2024 tối thiểu đạt 1.500 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục triển khai ưu tiên nguồn vốn xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; các mô hình liên kết trong nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu để đem lại hiệu quả cao; đầu tư máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; đầu tư các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tích cực triển khai các dịch vụ ngân hàng về địa bàn nông thôn, trọng tâm là mở tài khoản thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số...

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-huy-vai-tro-chu-luc-dau-tu-nguon-von-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-214294.htm