Phát huy truyền thống vẻ vang, đảm bảo công tác hậu cần - tài chính cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Cách đây 65 năm, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP. Tiếp đó, ngày 23/4/1959, Bộ Công an ban hành Nghị định số 153/NĐ về việc thành lập các Cục: Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần thuộc Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT. Kể từ đó, ngày 23/4 hằng năm là Ngày Truyền thống của các cơ quan, trong đó có Cục Hậu cần BĐBP.

Đại tá Nguyễn Đức Sỹ phát biểu tại Hội thảo đề xuất sáp nhập Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật BĐBP. Ảnh: CTV

Hệ thống tổ chức hậu cần của CANDVT ngay từ những ngày đầu thành lập được hình thành ở 3 cấp cơ bản đó là: Cấp Bộ Tư lệnh (BTL); cấp tỉnh, thành phố và cấp đồn Biên phòng. Ngoài 3 cấp cơ bản nói trên, ở một số địa bàn trọng điểm còn có hậu cần cấp Tiểu khu và Khu Biên phòng (như Tây Bắc, Việt Bắc), là cơ quan đốc chiến giúp hậu cần cấp tỉnh chuyển tiếp, bổ sung vật chất hậu cần, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT)... cho các đồn và các đơn vị trực thuộc BĐBP các tỉnh, thành phố. Cục Hậu cần đã chủ động tham mưu, đề xuất với BTL các biện pháp tổ chức bảo đảm hậu cần, lập kế hoạch về nhu cầu bảo đảm vật chất sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tính chất hoạt động của các đơn vị trên các tuyến biên giới; chỉ đạo các đơn vị chủ động khai thác tạo nguồn tại chỗ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, giữ vững ổn định đời sống bộ đội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) diễn ra rất quyết liệt trên tất cả các tuyến. Khu vực biên giới đã trở thành nơi đối mặt trực tiếp, là mục tiêu đánh phá của không quân, tàu chiến Mỹ. Cục Hậu cần đã quán triệt và làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, BTL về các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm hậu cần trong lực lượng CANDVT; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý vật chất, VKTBKT, vật tư tài sản, tài chính, bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm cho lực lượng chi viện chiến trường miền Nam, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và bảo đảm cho lực lượng đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn được giải phóng, nhân dân ta đã giành được độc lập, hai miền Nam - Bắc được thống nhất. Tuy vậy, tình hình trên các tuyến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc có nhiều diễn biến phức tạp. Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, sẵn sàng đập tan mọi hành động gây chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 22/NQ-TW về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng (BQP).

Thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 412/CP ngày 19/11/1979 về việc chuyển giao lực lượng CANDVT từ Bộ Nội vụ sang BQP và đổi tên thành BĐBP. Hậu cần các cấp trong BĐBP có nhiệm vụ: Bảo đảm nhu cầu về vật chất, kinh phí, VKTBKT, phương tiện hậu cần, kỹ thuật cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, truy quét tàn quân địch ở miền Nam, FULRO trên địa bàn Tây Nguyên, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước và bảo đảm cho đơn vị mới thành lập đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia; xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG trong mọi tình huống.

Giai đoạn 1986-1995, đất nước ta bước vào thời kỳ mới, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện xây dựng đất nước, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, BĐBP có hai lần thay đổi, chuyển giao lực lượng. Tuy nhiên, qua các lần chuyển giao tổ chức lực lượng, chức năng và nhiệm vụ của BĐBP cơ bản không thay đổi. Trong giai đoạn này, ngành hậu cần đã chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn ngân sách, vật tư trang bị hậu cần, VKTBKT; triển khai đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa nâng cấp các đồn, trạm Biên phòng.

Giai đoạn 1995-2009, nước ta tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và hội nhập kinh tế thế giới, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý và bảo vệ biên giới trên đất liền, trên biển, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cục Hậu cần - Kỹ thuật đã chỉ đạo các ngành tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế quản lý, phương thức bảo đảm, tham mưu cho BTL, báo cáo, đề xuất với BQP về cơ chế, chính sách thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện; tổ chức tiếp nhận, quản lý, cấp phát, vận chuyển vật tư hàng hóa, VKTBKT phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, thực hiện quyết định của Bộ trưởng BQP về việc tổ chức lại ngành Hậu cần - Kỹ thuật trong BĐBP, theo đó, tách Cục Hậu cần - Kỹ thuật thành hai Cục: Hậu cần và Kỹ thuật, tách Phòng (Ban) Hậu cần - Kỹ thuật của BĐBP các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc thành hai Phòng (Ban) Hậu cần và Kỹ thuật. Cục Hậu cần đã phối hợp tốt với các cơ quan tham mưu cho Đảng ủy, BTL BĐBP ký Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, BTL BĐBP với các tỉnh, thành ủy, các quân khu về lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ biên giới, trọng tâm là huy động các nguồn lực bảo đảm hậu cần, tài chính phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng khu vực phòng thủ các địa phương trên địa bàn quân khu; tham mưu cho BTL ban hành “Tiêu chí công tác hậu cần, tài chính trong các cơ quan, đơn vị BĐBP”; đề xuất báo cáo BQP điều chỉnh, bổ sung tăng thêm một số chế độ tiêu chuẩn cho các đơn vị, các đối tượng trên các tuyến Biên phòng, phù hợp với đặc điểm hoạt động và tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP, nhất là bảo đảm hậu cần cho phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm hậu cần cho lực lượng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy có vũ trang; bảo đảm hậu cần cho lực lượng tuần tra song phương, quản lý xuất, nhập cảnh, cho lực lượng làm nhiệm vụ quốc tế tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ; bảo đảm cho các chương trình giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, giao lưu lực lượng bảo vệ biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ những ngày đầu có dịch, tháng 1/2020, Cục Hậu cần đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tham mưu, các Cục để tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, BTL BĐBP triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến biên giới, vùng biển, góp phần ngăn chặn dịch lây lan vào Việt Nam. Đồng thời, tham gia có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa lực lượng BĐBP với các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương như: Chương trình “Kết hợp quân dân y”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Biên cương - Đêm hội trăng rằm”, và các mô hình: “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới”, “Tư vấn, hỗ trợ cho các cặp gia đình hiếm muộn trong BĐBP”..., đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa rộng rãi, được các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương tin tưởng, đánh giá cao.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu đòi hỏi cao và toàn diện hơn. Luật Biên phòng Việt Nam được triển khai sâu rộng trong đời sống nhân dân; BĐBP tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, ngành hậu cần BĐBP cần quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác hậu cần, trọng tâm là Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Chỉ lệnh công tác hậu cần hằng năm.

Hai là, chủ động nắm chắc tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị trên các tuyến biên giới, vùng biển; kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, BTL BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mặt bảo đảm hậu cần, tài chính, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG và xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tích cực rèn đức, luyện tài thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”, có ý thức phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp tác phong công tác, chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương biện pháp cụ thể, có hiệu quả trong công tác bảo đảm hậu cần - tài chính, phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất của lực lượng BĐBP.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động kết hợp quân dân y. Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị phát huy thế mạnh tại chỗ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống bộ đội, phấn đấu sản phẩm tăng gia sản xuất trở thành sản phẩm hàng hóa, nhằm tạo nguồn thu cho các đơn vị, nhất là ở các đồn Biên phòng.

Năm là, Cục Hậu cần BĐBP cần chủ trì, hướng dẫn Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố, các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đồn, trạm Biên phòng, các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; nâng cấp cơ sở hạ tầng các đồn Biên phòng gắn với cụm dân cư khu vực biên giới, kết hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua chuyên ngành, chăm lo xây dựng ngành Hậu cần BĐBP nói chung, Cục Hậu cần BĐBP nói riêng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, giỏi nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Phát huy truyền thống của lực lượng BĐBP 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Cục Hậu cần luôn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Bảy là, quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2/4/2022 của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25/4/2022 của BQP về lãnh đạo thực hiện tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Tổ chức sáp nhập Cục Hậu cần và Cục Kỹ thuật thành Cục Hậu cần - Kỹ thuật bảo đảm tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Nguyễn Đức Sỹ, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-truyen-thong-ve-vang-dam-bao-cong-tac-hau-can-tai-chinh-cho-nhiem-vu-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post474629.html