Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta tự hào về truyền thống anh hùng, vẻ vang của dân tộc. Nổi bật là phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã lập nên những thành thích khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Đất Sen hồng.

Một góc đô thị của TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Trải qua chiến tranh, tỉnh Đồng Tháp có hơn 18.300 liệt sĩ, hơn 6.900 thương binh, trên 2.220 Mẹ Việt Nam anh hùng, cùng những chứng tích đi vào lịch sử huyền thoại trong lòng người dân đất Việt như di tích Gò Tháp - “thủ đô kháng chiến” vùng Nam Bộ, di tích Xẻo Quít - căn cứ kháng chiến Tỉnh ủy, chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung... góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Đặc biệt, với lòng tôn kính, tri ân một nhà Nho yêu nước thương dân, người dân Đồng Tháp đã xây dựng, bảo vệ an toàn tuyệt đối Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta. Phát huy những truyền thống đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Trước tiên, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng phong cách lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở; lựa chọn những thế mạnh để phát huy; xác định những khó khăn, vướng mắc để tập trung xử lý; kiên trì thực hiện những chủ trương, giải pháp đúng đắn được kiểm nghiệm từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng. Thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII... đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều động và luân chuyển cán bộ hợp lý, hiệu quả. Đồng thời tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Xây dựng được một số mô hình tốt, cách làm hay về công tác vận động Nhân dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở: mô hình Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản... góp phần phát huy tinh thần “Tự nguyện, tự chủ, tự quản” trong Nhân dân ở địa bàn dân cư.

Kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng khá, phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông được chú trọng nâng cấp. Đồng Tháp dần chấm dứt cảnh “khuất nẻo - qua sông phải lụy đò” hàng thập kỷ qua; diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, khang trang và xanh, sạch, đẹp hơn. Ngành nông nghiệp được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với một số mô hình tốt và xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ cao, đi vào chiều sâu. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá. Từng bước xây dựng phong trào khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Đồng Tháp là 1 trong những tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, đến nay quy mô của kinh tế ngày càng được mở rộng, ước tính năm 2023 đạt gần 110.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại - dịch vụ ngày càng tăng. Xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Cụ thể, đến nay có 2 chỉ tiêu (tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,77%; 94,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới) đạt kế hoạch, 10 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra...”.

Vùng đất và con người Đồng Tháp được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến thông qua hình ảnh thân thiện, năng động với thương hiệu “Đồng Tháp - Đất Sen hồng” là một trong số ít tỉnh xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện có hiệu quả việc tạo dựng hình ảnh địa phương. Nhìn tổng thể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tỉnh Đồng Tháp năm sau luôn cao hơn năm trước, làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp ngày càng đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/phat-huy-tinh-than-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9-116536.aspx