Phát huy thành quả xây dựng nông thôn mới

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 56/56 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao; có 5/5 huyện đạt chuẩn NTM. Để đạt được thành quả đó, thành phố huy động sức mạnh từ mọi nguồn lực, phát huy sức trẻ xung kích xây dựng nông thôn hiện đại, đồng thời tận dụng thành quả NTM để phát triển du lịch vùng nông thôn.

Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới

Sáng thứ bảy tuần đầu tháng 5-2023, hàng trăm đoàn viên, thanh niên, lực lượng dân quân và nhân dân xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) tham gia các hoạt động xây dựng NTM, tu sửa, phát quang đường giao thông, bóc gỡ quảng cáo, rao vặt nhếch nhác trên địa bàn. Mỗi người một việc, chỉ trong buổi sáng, nhiều hoạt động cụ thể bám sát các tiêu chí xây dựng NTM được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Đây là việc làm thiết thực, cụ thể hóa chương trình của tuổi trẻ địa phương “Tình nguyện chung tay xây dựng NTM” năm 2023. Bà Nguyễn Hồng Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh, cho biết: “Cùng với các xã trong toàn huyện, xã Bình Chánh đã hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng NTM. Xã chủ trương huy động sự chung tay của các tổ chức, tập thể, cá nhân, đặc biệt là vai trò xung kích của tuổi trẻ nâng cao chất lượng xây dựng NTM trên địa bàn”.

Không chỉ tuổi trẻ xã Bình Chánh mà tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, các cơ sở Đoàn cũng đồng loạt tổ chức các hoạt động chung tay xây dựng NTM, như: Ra quân gỡ bỏ tờ rơi, quảng cáo liên quan đến tín dụng đen, tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen cho người dân; tập huấn các chuyên đề về “mỗi xã một sản phẩm đặc trưng” và kiến thức khởi nghiệp, chuyển đổi số cho thanh niên; ra quân trồng cây xanh, đổi rác thải lấy quà tặng và lắp đặt bảng tuyên truyền về phân loại rác thải, phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy; tu sửa đường giao thông nông thôn... Theo anh Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Bình Chánh, với chủ đề “Tình nguyện chung tay xây dựng NTM” năm 2023, tuổi trẻ huyện Bình Chánh phối hợp với tuổi trẻ các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiều công trình dân sinh, trao tủ sách, tặng xe đạp, phương tiện sinh kế... giúp cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Tại các huyện: Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, đoàn viên, thanh niên cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, hăng hái tham gia các hoạt động xây dựng NTM thông qua những công trình, phần việc cụ thể. Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, cho biết: Năm 2023, tuổi trẻ thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện 19 lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về nông nghiệp, phát sóng chương trình tập huấn về khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng “Thanh niên Việt Nam”. Chúng tôi đã khởi công cải tạo trung tâm học tập cộng đồng, công trình thể dục, sân chơi thiếu nhi và nhà tình bạn ở các huyện vùng ven; chỉnh trang, nâng cấp tuyến đường nhựa mới, trồng xây xanh và trao hơn 1.000 suất học bổng, phần quà khuyến học tặng học sinh tại 5 huyện ngoại thành. Năm nay, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy cao độ vai trò của tuổi trẻ tham gia xây dựng NTM làm đổi thay diện mạo nông thôn”.

Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

Dịp lễ 30-4 vừa qua, nhiều đoàn khách đến tham quan Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được kết hợp tham quan vườn bưởi Tam Tân, Hợp tác xã rau sạch Nhuận Đức và Khu nông nghiệp công nghệ cao... Mô hình xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch được huyện Củ Chi quan tâm, vừa tận dụng lợi thế, đặc trưng địa bàn nông thôn, vừa đẩy mạnh đầu tư thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM hướng tới đô thị vùng ven hiện đại. Theo ông Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, từ thành quả xây dựng NTM, diện mạo nông thôn giờ đã đổi thay, văn minh, sạch đẹp. Các trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, các vườn hoa lan đẹp mắt... là những mô hình kinh tế hiệu quả, gần gũi với thiên nhiên nên rất được du khách quan tâm. Do vậy, các cấp, các ngành địa phương tiếp tục triển khai giải pháp quản lý, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để bà con nhân dân hiểu được lợi ích, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Học sinh TP Hồ Chí Minh tham quan mô hình nông nghiệp hiệu quả ở huyện nông thôn mới Củ Chi.

Ở huyện Cần Giờ, mô hình xây dựng NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề nông thôn cũng được tập trung thực hiện góp phần chăm lo đời sống và tăng thu nhập cho người dân. Lãnh đạo huyện và các ngành chức năng tăng cường phổ cập kiến thức cơ bản về du lịch cho hội viên, nông dân; đề xuất xây dựng các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia làm du lịch nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển du lịch trên địa bàn... Với lợi thế sông nước, có vùng bãi biển rộng, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn và khu đô thị lấn biển, lại được đầu tư xây dựng hạ tầng và các tiêu chí NTM nâng cao, huyện Cần Giờ đang được kỳ vọng trở thành đô thị sinh thái biển, thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực...

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển NTM giai đoạn 2023-2025”. Đề án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của du lịch nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng NTM hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực nông thôn TP Hồ Chí Minh hiện đại, nông dân có đời sống hạnh phúc, ấm no.

Bài và ảnh: YẾN LONG - VĂN ĐẠI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phat-huy-thanh-qua-xay-dung-nong-thon-moi-729542