Phát huy, nhân rộng các mô hình hay giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Chiều 19/3, Công an tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị họp mặt, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, toàn tỉnh An Giang đang quản lý gần 4.000 người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương; trong đó, năm 2023 tiếp nhận hơn 1.000 người về cư trú trên địa bàn, tăng 220 người so với năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tham gia công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương cư trú, tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định, phòng ngừa tái phạm tội.

Trên địa bàn toàn tỉnh, các địa phương đơn vị đã giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm cho hơn 100 người chấp hành xong án phạt tù; hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tặng xe đạp, tập vở cho 48 em học sinh là con của các can, phạm nhân; Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự huyện Tri Tôn đã xoay vòng giải ngân cho 90 lượt người hoàn lương vay vốn với số tiền 1,155 tỷ đồng…

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt, An Giang đã thành lập và duy trì và nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng, như: Mô hình “Lục lượng phòng, chống tội phạm cho lo cho con can, phạm nhân” của Công an tỉnh; Mô hình quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” của huyện Tri Tôn; Mô hình “Họp mặt người hoàn lương” của huyện Thoại Sơn; Mô hình “Tổ cảm hóa giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” của thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân; Mô hình “2 An” (An ninh trật tự - An sinh xã hội) giữa Công an tỉnh An Giang với Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Mô hình “Hệ thống chính trị tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở”,… qua đó, huy động nguồn lực đóng góp của cộng đồng, xã hội, đã hỗ trợ giúp đỡ hành trăm người xây nhà, sữa chữa nhà, vay vốn để lao động, sản xuất; học nghề, tìm kiếm việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang trao giây khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định, công tác tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù là một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Mong rằng thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình hay giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Dịp này, Công an tỉnh An Giang đã tặng giấy khen cho 12 tập thể, 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng năm 2023.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-huy-nhan-rong-cac-mo-hinh-hay-giup-nguoi-lam-lo-tai-hoa-nhap-cong-dong-post1083686.vov