Phát huy, làm sâu sắc thêm giá trị khoa học và thực tiễn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu ở tư tưởng, đạo đức, phong cách, được kết tinh, thẩm thấu trong các di tích về Người. Phải phát huy, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Đó là những vấn đề trọng tâm được các đại biểu tham luận tại Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam” do Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Sĩ quan Chính trị đồng tổ chức sáng nay 25-5.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có: Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng TS Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng PGS, TS Kim Ngọc Đại, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị.

Dự hội thảo có các đồng chí tướng lĩnh, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; Thủ trưởng, đại biểu các cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Khẳng định giá trị trường tồn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh nhấn mạnh: “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và phẩm chất cộng sản. Với tấm lòng thành kính; đồng thời, để phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã tiến hành xây dựng, bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các di tích, hiện vật, tài liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Quần thể di tích này không chỉ ghi lại chứng tích về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà còn là “địa chỉ đỏ” để quy tụ tình cảm, giáo dục truyền thống, khơi dậy khát vọng cống hiến, sáng tạo của các thế hệ người Việt Nam; đồng thời, tiếp tục lan tỏa giá trị trường tồn của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các dân tộc trên thế giới.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam” .

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam” .

Với tinh thần đó, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của cán bộ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Ban biên tập nội dung hội thảo đã lựa chọn được 69 bài tham luận tiêu biểu, biên soạn thành kỷ yếu hội thảo.

Các tham luận hội thảo đã thống nhất khẳng định, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu ở tư tưởng, đạo đức, phong cách, được kết tinh, thẩm thấu trong các di tích về Người, có giá trị to lớn với giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khẳng định, các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý báu, câu chuyện có thật phản ánh sinh động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Người, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham luận với chủ đề: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - công trình của “lòng dân - ý Đảng”, nơi hội tụ bồi dưỡng, vun đắp tình cảm, niềm tin của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế”. Tác giả đã luận chứng làm rõ những giá trị chính trị, văn hóa to lớn của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá trị ấy không phải ở sự nguy nga, tráng lệ mà bởi ở đó đang giữ gìn và lan tỏa những giá trị của một vĩ nhân đã đi vào lịch sử.

Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Người. Luận giải về cội nguồn Kim Liên, ThS Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên đã cung cấp cách nhìn tổng quan và những giá trị cơ bản của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Hay, nói về Bến cảng nhà Rồng, nơi mà Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng, cùng tình yêu đất nước cháy bỏng để ra đi tìm đường cứu nước, ThS Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã giúp hội thảo hiểu hơn về “địa chỉ đỏ” này trong nghiên cứu, giáo dục, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh…

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị tham luận tại hội thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị tham luận tại hội thảo.

Có thể nói mỗi di tích của Người là một trường học trực quan sinh động, thiết chế văn hóa đặc thù, là nơi chứa đựng những giá trị, lan tỏa tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách của Người; trở thành địa chỉ đỏ góp phần giáo dục chính trị, truyền thống, đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, vun đắp niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến cho các thế hệ.

Các tham luận tiếp tục khẳng định những giá trị trường tồn về khoa học và thực tiễn trong các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giá trị lý luận, thể hiện tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Người gắn với những không gian, thời gian trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể, mang giá trị “chứng tích lịch sử”; là nơi khởi phát những quan điểm, tư tưởng của Người trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, định hướng cho sự phát triển của dân tộc theo mục tiêu, lý tưởng, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và sáng lập, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam; là cầu nối để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng của Người.

Nhiều ý kiến nhận định, giá trị thực tiễn của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị phát huy di sản văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; thể hiện sự trân trọng, lưu truyền, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước và Quân đội; góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn thể nhân dân nói chung, cho cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng.

Đúng như ThS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ở trong nước hay ngoài nước đều là những chỉ báo cụ thể và là cầu nối để phát huy giá trị di sản của Người đối với hậu thế. Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “cầu nối” để chúng ta đi sâu nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng của Người. Nó dẫn đường cho chúng ta đến gần hơn với Người thầy vĩ đại. Để từ đó, chúng ta tiếp cận được ánh sáng của khoa học, của tri thức, của chân lý cách mạng”.

Quán triệt, làm sâu sắc hơn nữa giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội cần mang lại hiệu quả thực sự, thực tế, góp phần làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng, hành động và trở thành việc làm thường xuyên, tự giác của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội. Để cụ thể hóa điều đó, hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng và xác định yêu cầu phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị ở đơn vị cơ sở trong tình hình mới”, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị ở đơn vị, góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng. Hiện nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được quan tâm trong mọi tầng lớp nhân dân.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách bên lề hội thảo.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách bên lề hội thảo.

Vậy phải làm gì để phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong quân đội hiện nay?

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, trước hết các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị. Các cơ quan, đơn vị tổ chức chặt chẽ các hoạt động tham quan, báo công, nêu gương, tuyên dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tại các điểm di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến nhận định, cần phải coi giáo dục giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị để thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm cả chiều rộng và chiều sâu. Chú trọng phát huy tốt các thiết chế văn hóa cơ sở trong tuyên truyền, giáo dục giá trị di tích về Người. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, quảng bá những giá trị di tích, tư tưởng của Người. Tích cực tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan các bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử, góp phần bồi dưỡng các giá trị văn hóa quân sự một cách trực quan, sinh động, làm lan tỏa giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống chính trị, tinh thần ở đơn vị.

Các tham luận cũng đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học trong các nhà trường quân đội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm làm sáng tỏ hơn những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di tích về Người. Cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đồng quan điểm ấy, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị nhấn mạnh: Để phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng để xác định nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Nhà trường quan tâm bồi dưỡng năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị, làm nòng cốt để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.

ThS Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên tham luận tại hội thảo.

ThS Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên tham luận tại hội thảo.

Hội thảo “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam” đã thành công tốt đẹp và có ý nghĩa thiết thực; là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, khẳng định những giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Đồng thời, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, vận dụng vào công tác giáo dục chính trị trong toàn quân và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các học viện, nhà trường Quân đội.

Bài, ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phat-huy-lam-sau-sac-them-gia-tri-khoa-hoc-va-thuc-tien-di-tich-chu-tich-ho-chi-minh-729209