Phát huy hiệu quả tích cực từ phần mềm ASM

Phú Thọ là điểm đến của du lịch tâm linh và lễ hội. Vì vậy, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai, ứng dụng phần mềm ASM vào đời sống. Dù mới triển khai, nhưng phần mềm ASM đã mang hiệu quả thực tiễn, rút ngắn thủ tục, thời gian thông báo lưu trú cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT).

Phần mềm ASM là mô hình thứ 9 trong số 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Thiếu tá Triệu Đình Đa - Phòng QLHC về TTXH, Công an tỉnh: Phần mềm đã được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an triển khai từ ngày 27/2/2023, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phát triển ứng dụng thẻ CCCD gắn chip, VneID mang đến nhiều tiện lợi cho người dân, cơ sở lưu trú, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT.

Cán bộ Phòng QLHC về TTXH, Công an tỉnh hướng dẫn nhân viên khách sạn Sài Gòn sử dụng thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân.

Theo đó, các cơ sở lưu trú, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng phần mềm, kết hợp cùng thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân để kê khai thông tin tự động mà không cần xuất trình các loại giấy tờ khi đăng ký lưu trú. Việc triển khai sử dụng phần mềm này nhằm đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho du khách; giảm thời gian, chi phí đi lại của các cơ sở lưu trú; đẩy mạnh việc cải cách, giải quyết thủ tục hành chính công qua internet. Việc cập nhật thông tin lưu trú cũng giúp cơ quan Công an quản lý hộ khẩu, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ năm 2023 đến nay, Công an tỉnh đã triển khai 2 mô hình điểm thông báo lưu trú tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại các cơ sở lưu trú. Phối hợp với Sở Y tế triển khai tại 24 cơ sở khám chữa bệnh như: Trung tâm y tế 13 huyện, thành, thị, Bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương... và 297 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn sử dụng cho các cơ sở lưu trú đầu tư mua 13 thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân điển hình là các khách sạn: Hà Nội, Sài Gòn, X2... Như đối với khách sạn Sài Gòn nằm ở trung tâm thành phố Việt Trì, lưu lượng khách đến hàng tuần cũng khá là đông... đặc biệt là dịp lễ hội, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Anh Phạm Đình Hà - Phó Giám đốc khách sạn Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi cũng mới đầu tư lắp thiết bị quét mã QR được hơn một tháng. Nhưng khi sử dụng có rất nhiều tiện lợi, vì thế so với việc phải trực tiếp đến cơ quan công an để làm thủ tục thì giờ đây chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản qua phần mềm ASM, việc khai báo lưu trú đã được hoàn tất.

Anh Phạm Đình Hà giới thiệu thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân mới được đầu tư.

Với tổng số 526 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh, việc ứng dụng khai báo lưu trú qua phần mềm ASM là một bước đột phá mới trong công tác cải cách hành chính. Từ đó, góp phần quan trọng trong giảm công sức đi lại, thời gian, nhân lực, kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân. Không những vậy còn phục vụ cho việc nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu..., góp phần đảm bảo tình hình ANTT.

Để phát huy hiệu quả tích cực từ phần mềm ASM, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng thực hiện việc thông báo lưu trú qua phần mềm ASM. Phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tổ chức tập huấn, bố trí hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện tại cơ sở, thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện thông báo lưu trú trên môi trường điện tử, qua đó góp phần đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-huy-hieu-qua-tich-cuc-tu-phan-mem-asm-210200.htm