Phát huy hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm đặc trưng ở Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng, hang động và biển, đảo. Nhiều sản vật được khai thác từ biển, từ rừng trở thành những sản phẩm đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.

Người dân sơ chế cà xỉu để muối. Ảnh: Ái Vân

Tỉnh Kiên Giang có tiềm năng lớn về nuôi trồng và khai thác thủy sản, đây là một trong các ngư trường trọng điểm của nước ta. Chỉ tính từ đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt trên 150.000 tấn. Chợ cá Hà Tiên bày bán đa dạng các loài thủy, hải sản, trong đó có món đặc sản là cà xỉu muối của cơ sở kinh doanh đặc sản Hà Tiên, phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên.

Cà xỉu là loài nhuyễn thể, râu dài, thịt mềm và ngọt, sống tập trung ở môi trường cửa biển, nước lợ, xuất hiện nhiều ở vùng đầm Đông Hồ. Cà xỉu có thể thu hoạch quanh năm, rộ lên nhiều từ tháng 6 và tháng 8. Loại hải sản này sống dưới bùn đất nên quá trình sơ chế phải thật tỉ mỉ, tách râu và thân, cắt bỏ phần đầu đen trên râu để loại bỏ bùn đất, rửa lại nhiều lần cho sạch.

Nguyên liệu không thể thiếu để làm thành món cà xỉu muối là nước mắm Phú Quốc cùng tỏi, ớt, đường trắng, đường thốt nốt. Bí quyết để làm món cà xỉu muối là nguyên liệu phải tươi, quá trình chế biến phải canh được độ lửa để giữ cho con cà xỉu này không bị sống, hoặc cũng không được quá chín, bởi vì nếu quá chín mà đem muối sẽ không được tươi ngon. Quan trọng nhất là khi chế biến nước để muối thì phải chọn nước mắm cá cơm, để khi nấu lên còn giữ được hương vị thơm ngon. Trong quá trình phơi cà xỉu phải để khô ráo, không được để ẩm ướt, bởi phơi không đủ nắng thì khi trộn cà xỉu dễ bị hỏng, không được thơm ngon. Năm 2022, sản phẩm cà xỉu muối được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Chị Phạm Thu Trang (cơ sở kinh doanh đặc sản Hà Tiên) chia sẻ, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất được 200kg cà xỉu muối, mang lại nguồn thu từ 40 đến 50 triệu đồng, trừ chi phí từ nhân công và các nguồn nguyên liệu thì lãi được 9-10 triệu đồng.

Là tỉnh có diện tích gieo trồng lúa hằng năm lớn nhất cả nước, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa ở Kiên Giang là hơn 712.685ha, ước tổng sản lượng lương thực đạt hơn 4.400 tấn. Bên dòng sông Cái Lớn của huyện Tân Hiệp, có cánh đồng lúa mẫu lớn thẳng cánh cò bay, đây là vùng nguyên liệu chính cho nghề nấu rượu nếp truyền thống tại xã Tân Hiệp A. Theo Quyết định 12981/QĐ-SHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 8/3/2013, Hợp tác xã nông nghiệp Kinh 5A (xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp) có 8 thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể rượu nếp Kinh 5A cho sản phẩm. Năm 2028, nghề nấu rượu nếp Kinh 5A được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh Kiên Giang.

Ông Đỗ Văn Luông (Hợp tác xã nông nghiệp Kinh 5A) cho biết, khi thương hiệu rượu nếp Kinh 5A được công nhận là sản phẩm OCOP thì được nhiều người biết đến hơn và sản phẩm cũng được tiêu thụ tốt hơn. Tôi đang ao ước có vùng nguyên liệu để sản xuất ra loại gạo nếp hữu cơ, sạch làm nguyên liệu nấu rượu, có như vậy thì mới đưa sản phẩm của mình lên 5 sao được. Khi đó, mình mới có khả năng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Năm 2021, rượu nếp của Hợp tác xã nông nghiệp Kinh 5A và cơ sở rượu truyền thống Xuân An được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Các cơ sở rượu ở Tân Hiệp hầu như đều xuất phát từ các gia đình nấu rượu truyền thống, ban đầu phục vụ nhu cầu người dân tại địa phương theo quy mô nhỏ. Năm 2003, người dân mới đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, rồi đến năm 2015 thành lập thương hiệu riêng. Hiện nay, các cơ sở rượu ở làng nghề tại đây đều đầu tư máy lọc Andehit nên rượu rất dễ uống, êm không cảm thấy bị nóng hay sốc như hồi xưa.

Rượu nho rừng ở Kiên Giang được công nhận sản phẩm OCOP năm 2022. Ảnh: Ái Vân

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Kinh 5A có khoảng 20 hộ dân đang sản xuất rượu, mỗi ngày cho ra thị trường vài trăm lít rượu thành phẩm, vào dịp Tết, số lượng lên tới hàng nghìn lít vì nhu cầu tăng cao. Rượu nếp Kinh 5A còn được ví như món quà thương hiệu, là tâm huyết của người làm nghề.

Kiên Giang còn có bạt ngàn những cánh rừng với sự đa dạng sinh học. Tổng diện tích rừng ở Kiên Giang năm 2022 là 76.000ha, với độ che phủ rừng gần 12%, ngoài giá trị to lớn về môi sinh, rừng còn mang đến những sản vật tạo nên sinh kế bền vững cho người dân, trong đó có quả nho rừng.

Trước đây, nho rừng mọc rất nhiều trên những ngọn núi thấp ở xã Bình An, huyện Kiên Lương. Đây là loại quả dại, ăn có vị chua, lúc chín thì ngọt thanh, không ai chú ý đến, sau này có người ủ rượu từ loại quả dại này và đã thành công. Ước tính khoảng 1,5 lít rượu nho rừng thành phẩm, cần có 1kg nho rừng, 250g đường phèn và 1 lít rượu nếp, thời gian khoảng 8 đến 10 tháng, ủ càng lâu rượu càng ngon. Mật nho rừng pha trộn với rượu nếp và đường phèn sẽ cho hương vị rượu thành phẩm nồng, có vị ngọt và dễ uống. Rượu nho rừng ở xã Bình An được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2022.

Giữa dòng chảy của cuộc sống hôm nay, rượu nếp Kinh 5A ở huyện Tân Hiệp, rượu nho rừng ở huyện Kiên Lương và cà xỉu muối ở thành phố Hà Tiên đã hình thành nên chuỗi sản phẩm đặc sản phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh Kiên Giang. Để người dân gắn bó với nghề không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng mà cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, có như vậy, các sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-hieu-qua-kinh-te-tu-cac-san-pham-dac-trung-o-kien-giang-post471931.html