Phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở

Xác định thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển phong trào rèn luyện thể dục - thể thao, thời gian qua, huyện Đakrông đã tập trung đầu tư, triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở.

Hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở ở huyện Đakrông cơ bản phát huy tốt hiệu quả hoạt động -Ảnh: L.A

Xã A Bung hiện có 9 thôn với hơn 970 hộ, gần 3.900 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm hơn 90%. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân, từ nguồn vốn đầu tư của cấp trên và của địa phương, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn xã đang từng bước được hoàn thiện.

Đến nay đã có 6/9 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hai nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Pire 1 và Pire 2 đang được xây dựng. Còn nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Luông hiện cũng chuẩn bị khởi công. Cùng với đó, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã với kinh phí 1,2 tỉ đồng. Hỗ trợ 9 thôn xây dựng khu vui chơi giải trí 450 triệu đồng.

Hiện tại 5 thôn đã hoàn thành việc xây dựng và đang sử dụng để làm sân bóng chuyền, 4 thôn còn lại đang triển khai xây dựng. Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền cho biết, về cơ bản hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn xã đang phát huy tốt hiệu quả hoạt động, góp phần thu hút người dân tham gia, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư.

Xã cũng đã hỗ trợ thành lập 2 đội văn nghệ truyền thống là: đội văn nghệ cồng chiêng thôn A Bung và đội văn nghệ thôn Cu Tài 2, phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện Đakrông đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân về hưởng thụ văn hóa, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội.

Đến nay, toàn huyện có 1 nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; 1 nhà dài truyền thống của đồng bào Pa Kô tại xã A Ngo; 1 nhà văn hóa trung tâm huyện, 7 nhà văn hóa xã đạt chuẩn. Có 75/78 thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; trong đó có 36 nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn tiêu chí NTM, 39 nhà chưa đạt chuẩn, 3 thôn hiện đang xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng.

Cùng với đó, hiện trên địa bàn huyện đã có 1 sân vận động huyện, 4 sân bóng đá nhân tạo, khoảng 30% thôn có sân bóng chuyền. Ngoài ra, một số thôn còn có sân bóng đá, bóng chuyền tự phát. Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Nguyễn Đăng Sơn khẳng định, các thiết chế văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trực tiếp giữa cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với quần chúng nhân dân.

Đây là địađiểm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương; là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán; nơi trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục - thể thao của Nhân dân.

Đến nay, về cơ bản hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện đang phát huy tốt hiệu quả hoạt động, góp phần thu hút một lượng lớn người dân tham gia, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao lành mạnh, thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đó là do được đầu tư từ rất lâu nên phần lớn các nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích sử dụng nhỏ hẹp, không có công trình nước, công trình vệ sinh, thiếu hệ thống âm thanh loa máy, bàn ghế và các vật dụng thiết yếu phục vụ cho việc hội họp. Do vậy, để từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, huyện Đakrông đã và đang khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao tại các địa phương trong huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân về sinh hoạt cộng đồng, hưởng thụ văn hóa, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, 3 chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn lực tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và các thiết chế văn hóa hóa, thể thao cho các địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí hơn 68 tỉ đồng.

Cũng theo ông Sơn, để các thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động hiệu quả thì rất cần sự quan tâm của cấp trên trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ kinh phí hoạt động…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa, thể thao, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động văn hóa, rèn luyện thể thao. Có phương án quy hoạch quỹ đất để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao.

Xây dựng hoàn thiện quy chế hoạt động để phát huy hết công năng, nhất là trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng; bảo quản giữ gìn cơ sở vật chất; bố trí kinh phí phù hợp để thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, các giải thi đấu thể thao… thu hút người dân tham gia. Nghiên cứu phương án liên doanh, liên kết để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao… Có như vậy, các thiết chế văn hóa cơ sở mới thực sự phát huy tốt công năng, hiệu quả hoạt động.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/phat-huy-hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-thiet-che-van-hoa-co-so/177759.htm