Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá

Chiều 30-12, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp thông tin về di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 29-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự họp có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin-Truyền thông; các cơ quan thông tấn, báo chí, phóng viên văn phòng đại diện các Báo, Đài Trung ương và ngành đứng chân trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin về di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá cùng những giá trị nổi bật. Qua kết quả nghiên cứu, khai quật từ 2016 đến nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã phát hiện các sưu tập công cụ đá của người nguyên thủy có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay, trong đó có các công cụ rìu tay ghè hai mặt thuộc dạng rất quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Tất cả di vật đều được tìm thấy trong địa tầng văn hóa nguyên vẹn, chứ không chỉ là di vật đơn lẻ tìm thấy trên mặt đất.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoàng Ngọc

Những phát hiện Đá cũ đã đưa An Khê vào 1 trong 10 điểm có di tích Đá cũ của loài người giai đoạn người đứng thẳng. Phát hiện chấn động này khiến các sử gia phải viết lại lịch sử loài người, góp thêm tư liệu nghiên cứu lịch sử hình thành con người và văn hóa đầu tiên của nhân loại, cũng như vai trò của Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng trong diễn trình lịch sử kỹ nghệ chế tác đồ đá trên toàn thế giới.

Hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê đã được Hội đồng biên soạn Bộ lịch sử quốc gia đưa vào chính sử với giá trị là nơi xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin trong cuộc họp, Rộc Tưng-Gò Đá được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là điều kiện để sớm hoàn thiện hồ sơ cao hơn đề nghị công nhận là di sản thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục làm hồ sơ để công nhận bảo vật quốc gia đối với 1 số hiện vật khảo cổ.

Về định hướng bảo vệ, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đối với Đá cũ cần được khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn nguyên vẹn, không cho xây các công trình và có các tác động dưới 45 cm từ mặt đất trở xuống, chỉ cho canh tác nông nghiệp đơn thuần; kêu gọi các tổ chức nước ngoài có điều kiện đến nghiên cứu sâu và tổng hợp nhiều ngành hơn nữa đối với Đá cũ như địa chất, lịch sử… để có câu trả lời thuyết phục về tổ tiên loài người.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp. Ảnh: Hoàng Ngọc

Gắn với đó sẽ là chiến lược phát triển khảo cổ học cộng đồng; tuyên truyền cho người dân ở vùng di tích có ý thức giữ gìn, bảo vệ; thực hiện canh tác, sản xuất nông nghiệp theo đúng quy định để bảo tồn nguyên vẹn di tích, đồng thuận với địa phương khi có dự án triển khai.

Về liên kết trong phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Phát triển du lịch đối với di tích khảo cổ Đá cũ là bài toàn khó, cần có chọn lọc. Bởi khai thác loại hình này cần phải có kiến thức, sự quan tâm sâu đến khảo cổ. Chúng tôi xác định chọn lọc các nhà khoa học, các sinh viên nghiên cứu Đá cũ trên thế giới quan tâm, vừa tạo điều kiện để họ du lịch, vừa nghiên cứu tại chỗ. Thời gian tới, tỉnh mong muốn các cơ quan truyền thông quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị đặc biệt của di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá để mọi người dân hiểu và tự hào về lịch sử của con người Việt Nam, qua đó mọi người có sự tự tôn, tự hào dân tộc và tình yêu với quê hương đất nước và cùng chung tay bảo vệ di tích.

Truyền thông mạnh mẽ cũng sẽ thu hút các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục quan tâm, có sự hợp tác trong nghiên cứu để có câu trả lời toàn diện rằng thung lũng An Khê là cái nôi cổ xưa của loài người trên thế giới”.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202212/phat-huy-gia-tri-di-tich-quoc-gia-dac-biet-roc-tung-go-da-5799696/