Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Chiều nay, 30/6, hội thảo quốc tế 'Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững' tiếp tục diễn ra với phần trình bày tham luận, thảo luận chuyên môn của các đại biểu.

Tham dự có đồng chí Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các đơn vị có liên quan.

Toàn cảnh hội thảo.

Các tham luận trình bày tại hội thảo nêu rõ định hướng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những vấn đề đặt ra đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (VQG PN-KB).

Tại hội thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất Nguyễn Châu Á trình bày tham luận “Đề xuất các giải pháp để PN-KB trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất Nguyễn Châu Á trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo đó, với việc được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, VQG PN-KB hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm hàng đầu khu vực Châu Á trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để biến điều đó thành hiện thực trong 5-10 năm tới. Trong đó, cần tập trung vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng; đa dạng các hoạt động du lịch mạo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi, xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư, công ty lữ hành; thành lập trung tâm đào tạo du lịch mạo hiểm; thúc đẩy loại hình du lịch bền vững; hợp tác với các nhà điều hành du lịch mạo hiểm….

Ông Martin Holroyd, chuyên gia An toàn hang động và quản lý, đào tạo (Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh) trình bày tham luận tại hội thảo.

Ông Martin Holroyd, chuyên gia An toàn hang động và quản lý, đào tạo (Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh) trình bày tham luận “Quản lý rủi ro trong hoạt động thám hiểm”.

Theo ông Martin Holroyd, việc tham gia các hoạt động mạo hiểm đã được triển khai từ lâu ở nhiều nơi trên thế giới và đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Hiện, các tour du lịch mạo hiểm ở khu vực PN-KB là một trải nghiệm tuyệt vời và duy nhất. Do đó, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ đang tuân theo thực hành từ thực tiễn tốt.

Đại biểu thảo luận chuyên môn về khai thác du lịch Di sản thế giới VQG PN-KB theo quan điểm phát triển bền vững.

Ông Martin Holroyd cũng khuyến nghị một số nội dung liên quan đến việc quản lý rủi ro trong hoạt động thám hiểm ở khu vực PN-KB như: Những đơn vị cung cấp dịch vụ được cấp phép mới được phép thực hiện; các tour du lịch phải được lên kế hoạch bài bản, cẩn thận; các thiết bị sử dụng phải đạt tiêu chuẩn; có phương án khẩn cấp nếu xảy ra sự cố; nâng cao việc đào tạo nhân viên và kiểm tra thường xuyên…

Hội thảo cũng dành phần lớn thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận chuyên môn về khai thác du lịch Di sản thế giới VQG PN-KB theo quan điểm phát triển bền vững.

Quang cảnh phiên thảo luận toàn thể,

Chủ trì phiên tại thảo luận toàn thể gồm có các đồng chí: Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Vinh Quang, đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Trần Đình Thành, đại diện Cục Di sản văn hóa.

Tại phiên thảo luận này, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến, giải pháp, định hướng trong công tác bảo tồn, khai thác để Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB phát triển theo hướng bền vững.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đánh giá cao những tham luận, báo cáo khoa học được trình bày; đồng thời xem đây là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Quảng Bình đưa ra các giải pháp hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên của Di sản.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong phát biểu bế mạc hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong nhấn mạnh, tỉnh Quảng Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để giữ gìn và phát huy các giá trị của Di sản thế giới cũng như việc xây dựng và đệ trình hồ sơ đề nghị công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 3; xây dựng PN-KB đạt tiêu chuẩn khu du lịch quốc gia vào năm 2025, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2030; cam kết, khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn và khai thác Di sản một cách có hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật và tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với tỉnh Khăm Muồn (Lào) để liên kết, hợp tác, phát triển quần thể danh thắng và du lịch độc đáo trong khu vực Đông Nam Á và thế giới...

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức đã trưng bày gian hàng giới thiệu các di sản thế giới tại Việt Nam; thành tựu 20 năm bảo tồn và phát triển của Di sản thế giới VQG PN-KB; không gian văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số tại Quảng Bình; điểm du lịch nổi tiếng, ấn tượng tại Quảng Bình; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP của tỉnh Quảng Bình.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan thực tế tại VQG PN-KB, gồm: Động Phong Nha, động Thiên Đường; vườn Thực vật-Khu cứu hộ động vật hoang dã, khu Du lịch sinh thái OZO Park…

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202306/phat-huy-gia-tri-di-san-the-gioi-vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bang-2210390/