Phát huy giá trị của cây sâm nam núi Dành - niềm tự hào của người dân Bắc Giang

Theo chồng về quê hương Liên Chung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), chị Nguyễn Thị Kim Dung đã dành trọn tình yêu dành cho nơi này.

 Chị Nguyễn Thị Kim Dung đạt giải Nhất vòng chung kết cấp vùng miền Bắc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023

Chị Nguyễn Thị Kim Dung đạt giải Nhất vòng chung kết cấp vùng miền Bắc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2023

Chị đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu những cây dược liệu quý, mang lại giá trị cả về tinh thần và kinh tế cho người dân bản địa. Đặc biệt, vừa qua, chị Dung đã xuất sắc vượt qua các ý tưởng dự thi và đạt giải Nhất vòng chung kết cấp vùng miền Bắc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023".

Là kỹ sư nông nghiệp, chị đã hỗ trợ ngành nông lâm xã Liên Chung xây dựng nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương

Là kỹ sư nông nghiệp, chị đã hỗ trợ ngành nông lâm xã Liên Chung xây dựng nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1986) tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư khuyến nông và phát triển nông thôn tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Chị là kỹ sư nông nghiệp đã hỗ trợ ngành nông lâm xã Liên Chung xây dựng nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương như Hành tía Liên Chung, Nem nướng Liên Chung đạt OCOP 4 sao; Tương Liên Chung đạt OCOP 3 sao…

Nhận thấy sâm nam là cây dược liệu quý nhưng chưa được chú trọng và phát triển xứng tầm, chị nung nấu ý tưởng phát huy giá trị của loại dược liệu này. Chị chia sẻ: "Ý tưởng nung nấu đã lâu, nhưng cơ duyên thực sự đến là vào năm 2019-2020 khi Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bắc Giang về nghiên cứu và giúp nhân giống cây dược liệu quý này. Tôi quyết tâm quy tụ các hộ trồng sâm trên địa bàn xã Liên Chung lại thành lập Hợp tác xã (HTX) để cùng nhau xây dựng và phát triển thương hiệu Sâm nam núi Dành".

Sản phẩm của HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành Liên Chung

Sản phẩm của HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành Liên Chung

Khó khăn ban đầu khi thực hiện chính là việc các xã viên vẫn chưa thực sự tin tưởng vào hướng đi của HTX nên còn e ngại đầu tư. Vì vậy, nguồn vốn sản xuất còn hạn hẹp dẫn tới những khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất. HTX cũng chưa có máy móc hiện đại để phục vụ chế biến sâu. Các sản phẩm thì phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm khác như Sâm Hàn Quốc, Sâm Ngọc Linh, Trà hoa vàng do đã tiếp cận thị trường lâu và có nguồn khách hàng ổn định.

Cùng với đó, chị còn phải đối mặt với nhiều thách thức như phân khúc tiêu dùng có thu nhập cao thường có tư tưởng sử dụng sản phẩm ngoại nhập. Trên thị trường có một số cây trồng gần giống với cây sâm nam núi Dành nhưng chất lượng chưa được kiểm chứng và giá cả cạnh tranh so với sản phẩm Sâm nam núi Dành của HTX. Sản phẩm chưa có cơ hội tiếp cận với thị trường lớn và thị trường quốc tế,…

Với kiến thức chuyên ngành về nông nghiệp và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sau 3 năm nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, chị Kim Dung đã dần đưa HTX hoạt động và phát triển, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, lan tỏa tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bản thân chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ; tham gia các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Vườn sâm của chị Dung

Vườn sâm của chị Dung

Đáng kể hơn, sự phát triển đi lên của HTX cũng đồng nghĩa với việc tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ ở địa phương. "Vì xã Liên Chung là xã thuần nông, vẫn còn tư tưởng phong kiến nên chị em phụ nữ còn chưa có tiếng nói trong gia đình. Từ khi có dự án Sâm nam núi Dành, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động nữ thực hiện các công việc chăm sóc vườn cây, thu hái, đóng gói... Đặc biệt vào mùa vụ thì sử dụng khoảng 100 lao động thu hái hoa trong vòng 1,5-2 tháng với thu nhập ổn định từ 250-300 nghìn đồng/người/ngày. Thu nhập giúp cho chị em được nâng cao vị thế, chủ động làm kinh tế, góp phần giữ gìn gia đình ấm no, hạnh phúc", chị Kim Dung cho biết.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy cây sâm nam núi Dành rất phù hợp với "chất" đất tại xã Liên Chung. Người dân nơi đây đã có kinh nghiệm trồng và tâm huyết, gắn bó với cây sâm từ bao đời nay. Nên việc gìn giữ và phát triển nhân rộng vùng sản xuất cây sâm nam núi Dành tại HTX, cùng nghiên cứu cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm là một trong những hướng đi đúng đắn của HTX để bảo tồn và nâng cao giá trị của nguồn tài nguyên vô giá này.

HTX có nhiều sản phẩm điển hình như Nụ hoa sâm nam núi Dành (đạt OCOP 4 sao); Củ sâm tươi (trên 5 tuổi); Củ sâm khô, củ sâm ngâm mật ong, củ sâm ngâm rượu; cùng các sản phẩm liên kết như trà túi lọc, trà hòa tan, tinh chất sâm, dầu gội sâm, trà mộc sâm…

Chị Kim Dung cho biết, HTX có kế hoạch mở rộng sản xuất và liên kết lên tới 100ha để cùng với huyện Tân Yên hoàn thành mục tiêu 200ha cây sâm nam núi Dành, góp phần đưa sản phẩm Sâm nam núi Dành là sản phẩm Quốc gia - niềm tự hào của người dân Bắc Giang.

Liên hệ: Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành Liên Chung

Địa chỉ: Thôn Sấu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Điện thoại: 0987219933

Trang bán hàng: https://www.facebook.com/profile.php?id=100035558712471

Giá sản phẩm từ: 150.000đ

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-huy-gia-tri-cua-cay-sam-nam-nui-danh-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-bac-giang-20230917121138905.htm