Phát huy giá trị bảo tàng tư nhân

Hà Nội có hàng chục bảo tàng tư nhân, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng hầu hết các bảo tàng hiện nay đều không thu hút khách, khó khăn về kinh phí và hoạt động chưa chuyên nghiệp. Điều đó khiến những kho tư liệu sống động ở nhiều mảng khác nhau của đời sống, nghệ thuật, lịch sử... chưa đến được với công chúng.

Đa dạng về chủng loại

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) vừa khánh thành cách đây ít ngày. Lai Xá là làng nghề nhiếp ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 19, cụ Nguyễn Đình Khánh, người làng Lai Xá mở hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Nội. Sau này, cụ Khánh đem nghề nhiếp ảnh về làng truyền dạy và người Lai Xá đã đi khắp các vùng miền mở hiệu ảnh. Với hơn 300 hiện vật, hình ảnh, pa-nô bài viết... Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã thật sự "kể" một câu chuyện về sự ra đời của một làng nhiếp ảnh.

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có hàng chục bảo tàng ngoài công lập. Hệ thống bảo tàng tư nhân tại Hà Nội đa dạng về chủng loại, gồm: Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), Bảo tàng của gia đình họa sĩ Sỹ Tốt (huyện Ba Vì), Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (huyện Phú Xuyên), Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (quận Tây Hồ), Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm) hay Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Đức, trưng bày các hiện vật chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên)...

Mỗi bảo tàng lại có những giá trị riêng. Chẳng hạn, Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên nhấn mạnh những hiện vật mô tả quá trình đấu tranh cách mạng trong lao tù của người chiến sĩ, nhất là tại nhà giam trên đảo Phú Quốc. Nơi đây có khoảng 3.000 hiện vật, trong đó, nhiều hiện vật quý kể lại câu chuyện các chiến sĩ bị địch đàn áp dã man nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, giữ vững tinh thần cách mạng.

Khu Việt phủ Thành Chương (huyện Sóc Sơn) tuy không được định danh là một bảo tàng nhưng cách hoạt động tương tự như một bảo tàng mỹ thuật Việt cổ... Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, hệ thống bảo tàng tư nhân đã bổ khuyết rất tốt những phần còn khuyết thiếu của bảo tàng công lập. Đặc biệt, một số bảo tàng chuyên đề còn "đi trước" cả bảo tàng công lập, thí dụ như Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Câu chuyện ở Lai Xá được coi là đã bao quát cả quá trình hình thành, phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ đầu.

Để những hiện vật quý không "ngủ yên"

Trong dịp khai trương Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, một viễn cảnh tươi sáng đã được đề cập: Đó là hướng đến trở thành một địa chỉ du lịch, nhất là khi kết hợp với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên gần đó và một số hiệu ảnh trong thôn. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, có thể thấy ước mơ đó còn khá xa vời.

Hầu hết các bảo tàng ngoài công lập hiện nay được đầu tư xây dựng bởi tấm lòng những tập thể, cá nhân. Việc vận hành chủ yếu cũng bởi... tấm lòng. Bởi hầu hết các bảo tàng này không thu phí. Không thu phí thì tìm đâu ra nguồn kinh phí để vận hành, duy tu, tăng tính hấp dẫn? Việc nhiều bảo tàng hiu hắt là chuyện khó tránh. Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan là một thí dụ điển hình.

Năm 2012, khi bảo tàng được khánh thành, đã có rất nhiều kỳ vọng được đặt ra. Bảo tàng kể câu chuyện lịch sử gốm sứ của Kim Lan nói riêng, Việt Nam nói chung và được thiết kế, chịu trách nhiệm trưng bày bởi những chuyên gia hàng đầu, trong đó có Tiến sĩ Nhật Bản N. Ma-xa-na-ri. Không gian làng cổ Kim Lan lại gần nhiều địa danh nổi tiếng như: đền Chử Đồng Tử, làng gốm Bát Tràng...

Nhưng giờ, nếu bất chợt đến làng gốm cổ Kim Lan thăm bảo tàng, việc đầu tiên là phải tìm... người mở cửa. Hằng tháng, xã Kim Lan chỉ có thể hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ cho người trông nom. Bởi thế, phần lớn thời gian trong tuần, Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan đóng cửa. Bảo tàng chưa được đưa vào tua du lịch của bất kỳ hãng lữ hành nào. Theo người dân nơi đây, khách tham quan chủ yếu là... nhà nghiên cứu, nhà báo. Đây là câu chuyện chung của nhiều bảo tàng tư nhân trên địa bàn: Thiếu kinh phí, không có người có chuyên môn tổ chức vận hành, hướng dẫn và thiếu khách tham quan.

Về những khó khăn của bảo tàng tư nhân, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: Để thu hút khách tham quan thì bảo tàng phải đáp ứng được hai tiêu chí: Địa điểm phù hợp với điểm du lịch và nội dung trưng bày hấp dẫn. Hầu hết các bảo tàng tư nhân hiện nay không đáp ứng được những tiêu chí này nên vắng vẻ là điều khó tránh khỏi. Hiện, nhà nước đã có những ưu đãi nhất định với việc thuê đất dành cho bảo tàng nếu chưa có địa điểm, song bất cập ở chỗ lại quy định diện tích tối thiểu là 1ha mới giải quyết thủ tục.

Với tiềm lực của những người muốn mở bảo tàng tư nhân, việc giải phóng mặt bằng là quá sức nếu địa điểm đó thuận lợi cho du lịch. Địa điểm xa thì sẽ không có khách. Hơn nữa nhiều bảo tàng không cần đến 1ha để trưng bày. Điều đó khiến bảo tàng tư nhân khó xoay xở. Để những hiện vật quý trong bảo tàng tư nhân không "ngủ yên", xa hơn nữa là thu hút khách du lịch không phải câu chuyện ngày một, ngày hai. Trước mắt, để giải quyết những khó khăn này, theo Phó Giáo sư Đặng Văn Bài (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), cùng với việc nâng cao chất lượng trưng bày, thì các bảo tàng tư nhân cần kết hợp với các bảo tàng công lập tổ chức các buổi trưng bày chuyên đề để có thể đưa hiện vật đến với công chúng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33177902-phat-huy-gia-tri-bao-tang-tu-nhan.html