Phát huy dân chủ, tạo động lực mới phát triển ngành Công Thương bền vững

'Tính dân chủ tại Bộ Công Thương được phát huy, các ý kiến xác đáng được tiếp thu và giải quyết thỏa đáng. Điều này cho thấy Bộ đã có sự đoàn kết, thống nhất'.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2024.

Dân chủ tiếp tục được phát huy

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023 ngành Công Thương phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều khủng hoảng, lạm phát, đứt gãy nguồn cung...tác động tới kinh tế trong nước.

Về điều kiện làm việc, năm qua, các đơn vị làm việc tại nhà 21-23 Ngô Quyền phải khắc phục những khó khăn do công trình cải tạo diễn ra trong thời gian dài. Đặc biệt, Bộ cũng liên tục thiếu lãnh đạo Bộ do nghỉ chế độ, chuyển công tác…

“Trong bối cảnh đó, ngành, Bộ Công Thương chưa đạt phần lớn chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết quả ấy đã phản ánh nỗ lực rất cao của toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2024

Bộ trưởng cho biết, tính dân chủ trong cơ quan Bộ tiếp tục được phát huy thể hiện qua việc lấy ý kiến trực tiếp bằng văn bản, qua các cuộc họp giao ban, đối thoại. “Các ý kiến xác đáng được tiếp thu và giải quyết thỏa đáng. Điều này cho thấy Bộ đã có sự đoàn kết, thống nhất”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục được củng cố, nâng cấp. Chuyển đổi số trong ngành, cơ quan được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cấp độ 3-4; chữ ký số, lưu chuyển văn bản chủ yếu qua mạng…

Ngoài ra, vai trò của các thiết chế lãnh đạo, thực thi, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng được tăng cường, vai trò dẫn dắt, nêu gương trong lãnh đạo cũng được nâng cao. “Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công chức viên chức, người lao động tiếp tục được cải thiện và nâng cao”, Bộ trưởng khẳng định.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế cụ thể là: Tính chủ động và chất lượng tham mưu của nhiều đơn vị còn hạn chế; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị chưa tốt, nội bộ một số đơn vị chưa thật thống nhất.

Nêu nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng cũng nhắc đến nguyên nhân chủ quan là do việc quán triệt chưa sâu sắc quan điểm, chủ trương các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Ban cán sự và Công đoàn Bộ nên dẫn đến tình trạng lúng túng, bị động.

“Sự phối hợp trong thực thi nhiệm vụ chưa tốt trong từng đơn vị vẫn còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy. Công tác thanh tra, giám sát chưa phát huy vai trò, tính tiên phong, gương mẫu của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu một số đơn vị chưa tốt”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2024

Khẳng định vai trò các đoàn thể quần chúng, nêu gương của lãnh đạo

Tư lệnh ngành Công Thương dự báo, bối cảnh năm 2024 còn khó khăn vì tình hình thế giới khó đoán định. Tình trạng khủng hoảng lãnh đạo, nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực trọng yếu chưa thể giải quyết được ngay.

Theo đó, để đạt được các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra nhiều giải pháp cần phải thực hiện. Trước hết là chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Ban cán sự và chỉ đạo của Công đoàn Bộ.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác. Các đoàn thể cần phát động, tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động để tạo không khí phấn khởi thi đua trong từng ngành, từng cơ quan.

“Từng đơn vị thuộc Bộ cần bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, cơ quan, đơn vị, chương trình làm việc của Ban cán sự, lãnh đạo Bộ, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… để xây dựng kế hoạch hoạt động, có phân công thực hiện cụ thể và kiểm tra, giám sát thường xuyên”, Bộ trưởng yêu cầu.

Hơn hết, nâng cao tính chủ động, kịp thời trong tham mưu, đề xuất với Ban cán sự, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị. Đồng thời, quyết liệt và trách nhiệm trong tổ chức thực thi nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ.

“Đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, nhất là xây dựng, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung; áp dụng chữ ký số; tiếp nhận, giải quyết kết quả các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cấp độ 3-4”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương triện, điều kiện làm việc, bổ sung trang thiết bị cho các đơn vị, bộ phận và người làm việc. Đồng thời, tiếp kiệm chi thường xuyên để quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công chức viên chức, người lao động trong từng đơn vị.

Chủ động rà soát đánh giá, nắm bắt đúng tình hình trong từng đơn vị để có giải pháp phù hợp nhằm xây dựng, củng cố tình đoàn kết. Ngăn ngừa mâu thuẫn đối kháng dựa trên quy định của pháp luật, nguyên tắc điều lệ Đảng, phù hợp với bối cảnh cụ thể.

“Chú trọng phát huy dân chủ, khai thác, phát huy vai trò lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng với phương châm “Lãnh đạo toàn diện”, “Việc ở đâu phải do cấp ủy, tổ chức Đảng ở đó lãnh đạo giải quyết”, không né tránh đùn đẩy, dựa vào pháp luật, nguyên tắc điều lệ Đảng… phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng, nêu gương của lãnh đạo”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, chương trình công tác của Ban cán sự, lãnh đạo Bộ. Duy trì cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo bộ với cán bộ chủ chốt trong năm; chế độ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại.

Gửi thông điệp hành động tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Nếu như năm 2023 là năm của “Đoàn kết, kỷ cương để muôn phương thắng lợi”, thì 2024 sẽ là: “Kế thừa, đổi mới, vươn tới đỉnh cao”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và Công đoàn Bộ ký kết giao ước thi đua năm 2024

Cũng tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Công đoàn Bộ đã ký kết giao ước thi đua năm 2024. Theo đó, bản giao ước thi đua có những nội dung:

Thứ nhất, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ra sức thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt công việc được giao góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Bộ, của Ngành.

Thứ hai, phát huy hiệu quả, đẩy mạnh và cụ thể hóa các phong trào thi đua, cuộc vận động do Chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội phát động như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; cuộc vận động xây dựng cán bộ công chức “Trung thành - Trách nhiệm - Liêm chính”; “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”…

Thứ ba, tích cực học tập, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức và sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ký kết giao ước thi đua và đăng ký các hình thức thi đua khen thưởng của tập thể và cá nhân, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo phù hợp với đặc thù nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị gắn với các phong trào thi đua do bộ, ngành phát động.

Thứ năm, các tổ chức công đoàn tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động qua các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo lợi ích và đời sống cho đoàn viên, người lao động; hoạt động tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tích cực phối hợp với Lãnh đạo cơ quan, đơn vị tập trung huy động các nguồn lực, tổ chức hỗ trợ động viên, khuyến khích tinh thần và chăm lo cho đoàn viên người lao động, đặc biệt là những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2024, Bộ Công Thương phấn đấu: 100% các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 95% cán bộ, công chức,viên chức và người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% cán bộ công chức, đoàn viên công đoàn học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia đầy đủ các hoạt động đoàn thể; thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; xây dựng cơ quan, đơn vị, chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh; công đoàn và các tổ chức đoàn thể vững mạnh; cơ quan văn hóa, xanh, sạch, đẹp.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-dan-chu-tao-dong-luc-moi-phat-trien-nganh-cong-thuong-ben-vung-302180.html