Phát huy đặc trưng văn hóa vùng, miền khi làm du lịch

'Khách châu Âu sang du lịch ở đồng bằng miền Tây thích sông Mekong và mê chợ nổi dữ lắm! Một số doanh nghiệp du lịch của nước ta đã nắm bắt điều đó, luôn chú trọng khai thác văn hóa, lịch sử, ẩm thực, đặc điểm miền sông nước khi làm du lịch. Làm như vậy là đúng rồi, không cần đưa thêm những thứ 'ngoại lai' vào làm gì, để làm mất đi bản sắc văn hóa độc đáo của mình, mà khách quốc tế họ lại chê'.

Ông Phan Xuân Anh. Ảnh: Hải Luận

Đó là nhận định của ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt, thành phố Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Biên phòng.

Ông Anh nói tiếp: “Bạn chú ý khi phát triển nguồn khách cho du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần nhắm tới nguồn khách quốc tế trên 7 tỉ dân, không nên dồn sức chỉ dựa vào 100 triệu dân Việt Nam. Tôi giải thích như vậy để biết được phân khúc thị trường du lịch thế giới rất rộng lớn, vì du lịch nội địa chỉ khai thác vào một số khoảng thời gian nhất định trong năm, thường hay tập trung nhiều vào những ngày nghỉ cuối tuần và lễ, Tết, hay hè học sinh nghỉ học. Còn khách thế giới, không có nước này thì có nước khác, đi du lịch quanh năm; thời tiết ở miệt vườn miền Tây không có bão, rét, lụt lội..., đây là điều kiện tối ưu để hoạt động du lịch cả năm không bị hạn chế gì cả”.

Dùng sản phẩm chủ lực “kéo” sản phẩm phụ

- Nhiều người cho rằng, 13 tỉnh ĐBSCL đều có những sản du lịch giống nhau, là sông nước, cây ăn trái... Chỉ cần đi một tỉnh là “biết hết” toàn vùng. Là người làm du lịch lâu năm, ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Tuyến du lịch độc đáo thế giới

“Tuyến du lịch xuyên biên giới qua đường sông Mekong ở nước ta là duy nhất, không phải quốc gia nào cũng có. Bao nhiêu chiếc du thuyền sông hạng sang thế giới như Aqua Cruises, Margarette, Pandor hay của Việt Nam như Mekong Princess, Lan Điệp... có giá cao ngất ngưởng trên 2.000USD/đêm, đều chọn lộ trình này để khai thác du lịch hằng năm” - ông Phan Xuân Anh thông tin.

- Dưới con mắt một người làm du lịch hơn 40 năm như tôi, thì có cái nhìn khác và đã tư vấn phát triển du lịch cho nhiều vùng ở miền Tây. Mỗi tỉnh, thành đều có đặc trưng tài nguyên du lịch khác nhau. Ví dụ, tỉnh Cà Mau có mũi Cà Mau, tận cùng của Tổ quốc, cả nước không có nơi nào “đụng hàng”. Tỉnh Trà Vinh có 55 ngôi chùa Khmer, những tỉnh khác trong vùng Nam Bộ chỉ có lác đác vài ngôi chùa. Ở Đồng Tháp, nơi có Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (cha của Bác Hồ), độc nhất cả vùng sông nước, địa phương khác làm sao có. Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng. Bạc Liêu có cụ Cao Văn Lầu nổi tiếng với cái nôi đàn ca tài tử... Gần như tỉnh nào cũng có đặc trưng riêng, không giống với bất kỳ nơi nào cả.

Những điều tôi vừa nêu ra chính là điểm tựa trong phát triển du lịch, lấy đó làm tiền đề để khai thác và phát triển các sản phẩm phụ kèm theo. Làm theo cách này, vừa giúp nâng cao điểm chính lên trở thành “rường cột”, vừa kéo sản phẩm phụ phát triển. Điểm mấu chốt nhất ở đây, người có thẩm quyền đề ra chính sách phát triển du lịch tại địa phương cần biết lắng nghe, biết gợi mở và hiểu được thị hiếu các phân khúc thị trường khách du lịch, họ muốn cái gì độc đáo ở vùng đất địa phương mình.

- Ông vừa nói khách châu Âu mê chợ nổi ở ĐBSCL, nhưng chợ nổi đang dần bị teo tóp. Phải chăng đó là dấu hiệu du lịch đi xuống ở vùng này?

- Chợ nổi là một loại hình giao thương đặc biệt của người dân miền sông nước ĐBSCL có từ hàng trăm năm nay. Tại miền Tây còn 2 điểm chợ mà ai cũng biết: chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ) và chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). Chúng ta muốn khai thác mạnh thị trường khách quốc tế, thì thứ để “câu” và “giữ” khách đến nhiều hơn, ở lại nhiều ngày, đó là chợ nổi. Du khách nước ngoài rất thích mô hình chợ nổi, bởi vì bên nước họ không có, buộc lòng khi du lịch vùng Mekong, họ phải đến miền Tây Việt Nam mới được xem, được trải nghiệm chợ nổi. Tôi cho rằng, chợ nổi là thương hiệu quốc gia, là đặc trưng văn hóa miền Tây nên chúng ta phải cố gắng giữ gìn, tôn tạo và phục hồi bằng mọi giá.

Nhân đây, tôi nhớ, trước đây khi đi hướng dẫn viên du lịch, tôi luôn luôn ghé cho khách xem chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp mà lúc ấy đời sống của người dân Hậu Giang nói riêng và miền Tây nói chung đã hòa quyện vào Ngã Bảy. Dân miền Tây ai mà không biết bài “Tình anh bán chiếu” gắn với chợ nổi Ngã Bảy. Sau này, với nhiều lý do như lấn chiếm lòng sông, cản trở giao thông thủy, nên chợ nổi không còn. Bây giờ, khi nhìn ra mới thấy chợ nổi là báu vật, dù có đổ hàng tỉ đồng vào tạo dựng lại chợ nổi Phụng Hiệp như xưa cũng rất khó khăn. Tiếc lắm.

Khách du lịch làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Ảnh: Hải Luận

Tránh sao chép sản phẩm của nhau

- Hạ lưu dòng Mekong chẽ ra nhiều nhánh, dân địa phương nói đơn giản: sông mẹ, sông con, sông cháu. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang chọn sông con, sông cháu để tạo ra những sản phẩm du lịch, đôi khi bị trùng lặp, sao chép mô hình của nhau. Theo ông, điều đó có giúp phát triển mạnh du lịch cho toàn vùng không?

- Định nghĩa chung của sản phẩm mới du lịch là gì? Thứ nhất, là một sản phẩm được sáng tạo hoàn toàn mới. Thứ hai, “cũ người mới ta”. Thứ ba, bắt chước của người khác. Phải nói rằng, có nhiều nơi sao chép lẫn nhau trong phát triển du lịch mà không cải biên cho phù hợp. Thấy ở tỉnh A nghĩ ra mô hình du lịch đi thuyền trên sông, kết hợp với tham quan ruộng vườn của nông dân, tỉnh B học làm theo y chang. Hay một món ăn đặc sản ở tỉnh này rất ngon và độc đáo, tỉnh khác cũng muốn học hỏi mang về bán. Cuối cùng lan rộng ra nhiều tỉnh, gây mất hết yếu tố đặc trưng của từng địa phương.

Muốn phát triển du lịch tỉnh mình mạnh, buộc phải tìm cách “thoát” ra khỏi cái vòng luẩn quẩn mượn ý tưởng rập khuôn, tập trung phát huy những cái đặc trưng mang giá trị văn hóa riêng có, lịch sử, phong tục, tập quán cốt lõi nơi mình ở; tránh sao chép máy móc sản phẩm của nhau.

- Ông đánh giá như thế nào các tour du lịch ngược dòng Mekong?

- Gần như toàn bộ vùng ĐBSCL nằm trọn các nhánh sông thuộc hạ lưu của Mekong, du khách nước ngoài rất thích du lịch trên sông Mekong, đặc biệt là các tour du lịch đi bằng tàu sông hạng sang. Thông thường, tàu sẽ nhận khách tại cảng Sài Gòn, Mỹ Tho, hay tại Cái Bè. Chuyến đi đường sông kéo dài vài ngày hoặc 1 tuần, du khách sẽ ăn, nghỉ trên tàu, đi qua nhiều con sông khác nhau (theo tên gọi của Việt Nam). Có công ty tổ chức đón khách ở cảng Cần Thơ, hoặc tại Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang)... Tàu vừa chu du ở ĐBSCL, vừa ngược dòng lên biên giới để xuất cảnh sang Campuchia.

Điều tuyệt vời, đoạn sông biên giới Việt Nam - Campuchia rộng và sâu nhất dòng Mekong, cho phép tàu lớn chở từ 100 - 250 khách đi qua ở phía cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) và cửa khẩu quốc tế Thường Phước (Đồng Tháp). Tàu lớn chạy lên đến Thủ đô Phnom Penh, sau đó sang qua tàu nhỏ đi đến nhiều tỉnh của Campuchia. Khi tàu du lịch lớn xuôi dòng về lại Việt Nam sẽ đón lượng lớn khách châu Âu, Mỹ, Australia... đi bằng máy bay hoặc đi bằng đường bộ từ Thái Lan, Lào sang tham quan trước Campuchia.

Tuyến du lịch đường sông xuyên biên giới này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, du khách vừa được tận hưởng vẻ đẹp độc đáo con sông kỳ vĩ, vừa tạo dựng tình hữu nghị hai nước chung đường biên giới, cùng dòng chảy Mekong.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lệ Giang (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-dac-trung-van-hoa-vung-mien-khi-lam-du-lich-post473692.html