Phát hiện thế giới ngoài hành tinh, 'nơi mọi thứ đều khổng lồ'

Thế giới ngoài hành tinh vừa được tìm thấy có môi trường khắc nghiệt, bị chị phối bởi một bức xạ cực lớn và mọi thứ đều có quy mô khổng lồ.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 8/12 trên tạp chí khoa học Nature, kính viễn vọng rất lớn tại Đài quan sát Nam Âu ở sa mạc Chile đã chụp được hình ảnh về một hành tinh lớn chưa từng thấy quay quanh một cặp sao cực nóng khổng lồ.

Hệ sao đôi mang tên b Cantauri, còn hành tinh khổng lồ mang tên b Centauri b, nằm cách chúng ta 325 năm ánh sáng, được phát hiện bởi nhóm khoa học gia từ Đại học Stockholm (Thụy Điển).

Hai ngôi sao trong hệ sao b Cantauri có tổng khối lượng gấp 10 lần Mặt Trời - một ngôi sao vốn đã thuộc hàng to lớn trong vũ trụ. Hai ngôi sao quay gần nhau đến nỗi ban đầu bị lầm tưởng là một.

Hình ảnh do kính viễn vọng rất lớn ở Chile chụp lại, hành tinh khổng lồ b Centauri b tại vị trí mũi tên. Ảnh: ESO

Hành tinh b Centauri b cũng vĩ đại không kém: Có khối lượng gấp 10,9 lần khối lượng Sao Mộc, tức 3.466 lần Trái Đất, điều này khiến nó trở thành một trong những hành tinh lớn nhất từng được tìm thấy. Nó quay cách cặp sao mẹ tới 566 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn bằng khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất).

“Một thế giới ngoài hành tinh trong một môi trường hoàn toàn khác với những gì chúng ta trải nghiệm ở đây, trên Trái đất và trong Hệ Mặt trời. Đó là một môi trường khắc nghiệt, bị chi phối bởi bức xạ cực lớn, nơi mọi thứ đều có quy mô khổng lồ: Các ngôi sao lớn hơn, hành tinh lớn hơn, khoảng cách lớn hơn” , nhà thiên văn học Gayathri Viswanath, một trong các tác giả đứng đầu nghiên cứu, mô tả.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ sao đôi b Cantauri phát ra một lượng lớn bức xạ tia cực tím và tia X năng lượng cao, ''tác động mạnh đến khí xung quanh”. Nhưng chính nhờ khoảng cách lớn so với cặp sao mẹ đã giúp hành tinh khổng lồ không bị bốc hơi bởi bức xạ khủng khiếp từ những "người mẹ" vĩ đại và hung dữ này.

Cho dù được cho là khó có khả năng sinh sống, nhưng thế giới khổng lồ đem đến nhiều điều thú vị khác. Trước đây, giới thiên văn cho rằng tất cả các hành tinh hình thành theo mô hình bồi tụ lõi: Trong đám mây phân tử, ngôi sao hình thành và bắt đầu trở thành một cái xoáy hút vật chất về phía mình, dẫn đến một ngôi sao trẻ mang đĩa khí bụi khổng lồ.

Qua thời gian, đĩa khí bụi này dần bồi tụ thành những hành tinh. Hành tinh càng lớn, đĩa khí bụi càng vơi dần, hẹp dần và kết quả là một hệ sao "trong lành" như hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, siêu hành tinh vừa được phát hiện nằm quá xa sao mẹ để có thể hình thành theo mô hình trên. Điều này thách thức các nguyên lý về sự hình thành hành tinh.khiến các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại các mô hình hình thành hành tinh đã biết.

Được biết, bức ảnh vừa công bố trong tháng 12 là bức ảnh đầu tiên về b Centauri b kể từ khi nó được xác định. Trước đó hành tinh khổng lồ vẫn chưa được được nhận dạng trong các bức ảnh chụp bằng kính thiên văn trước đó.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Người Lao Động)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-hien-the-gioi-ngoai-hanh-tinh-noi-moi-thu-deu-khong-lo-a536860.html