Phát hiện sóng vô tuyến cực mạnh ở ngoại hành tinh có kích cỡ giống Trái Đất

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra sóng vô tuyến từ một ngoại hành tinh và ngôi sao mà nó quay quanh, cả hai đều nằm cách Trái Đất 12 năm ánh sáng. Tín hiệu này cho thấy hành tinh có kích cỡ bằng Trái Đất này có thể có từ trường và thậm chí cả bầu khí quyển.

Từ trường Trái Đất giúp bảo vệ bầu khí quyển và các loài sinh vật khỏi tác động trực tiếp của các tia bức xạ Mặt trời. Việc phát hiện ra bầu khí quyển bao quanh các hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời có thể cho thấy những thế giới này có tiềm năng hỗ trợ sự sống.

Các nhà khoa học đã chú ý tới những luồng sóng vô tuyến mạnh từ ngôi sao YZ Ceti và hành tinh đá quay quanh nó, được gọi là YZ Ceti b trong quá trình quan sát sử dụng tổ hợp kính thiên văn cực lớn Karl G. Jansky ở New Mexico. Các nhà nghiên cứu tin rằng sóng vô tuyến được tạo ra bởi sự tương tác giữa từ trường của hành tinh và ngôi sao của nó.

Tổ hợp kính thiên văn cực lớn Karl G. Jansky ở New Mexico. Ảnh: Getty

Tổ hợp kính thiên văn cực lớn Karl G. Jansky ở New Mexico. Ảnh: Getty

Để có thể phát hiện sóng vô tuyến từ Trái Đất chúng phải rất mạnh, các nhà nghiên cứu cho hay.

"Liệu một hành tinh có thể duy trì bầu khí quyển hay không phụ thuộc vào việc nó có từ trường mạnh hay không", Sebastian Pineda, chủ nhiệm nghiên cứu, đồng thời là một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Colorado Boulder cho hay.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra từ trường trên các ngoại hành tinh có kích cỡ bằng sao Mộc - hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời. Nhưng việc phát hiện ra từ trường trên những hành tinh nhỏ hơn có kích cỡ bằng Trái Đất là điều khó khăn bởi từ trường gần như không thể nhìn thấy.

"Những gì chúng tôi đang làm là tìm cách để quan sát chúng. Chúng tôi đang tìm kiếm các hành tinh thực sự gần ngôi sao của nó và nó kích cỡ tương tự Trái Đất", Jackie Villadsen, đồng tác giả nghiên cứu, đồng thời là Giáo sư về vật lý và thiên văn học tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania nói.

Ảnh minh họa: Getty

Ảnh minh họa: Getty

YZ Ceti b chỉ mất 2 ngày Trái Đất để hoàn thành vòng quay quanh ngôi sao của nó. Trong khi đó, 1 năm trong Hệ Mặt trời ngắn nhất là trên sao Thủy khi nó mất 88 ngày Trái Đất để hoàn thành vòng quay quanh Mặt trời.

Khi YZ Ceti b quay quanh ngôi sao của nó, plasma từ ngôi sao này va chạm với từ trường của hành tinh. Những tương tác mạnh mẽ đó đã tạo ra sóng vô tuyến cực mạnh mà chúng ta có thể phát hiện từ Trái Đất.

Trong Hệ Mặt trời của chúng ta, các hoạt động trên Mặt trời có thể tạo ra thời tiết vũ trụ tác động đến Trái Đất. Những vụ nổ mạnh mẽ từ Mặt trời có thể làm gián đoạn các vệ tinh và viễn thông toàn cầu cũng như tạo ra những luồng sáng gần các cực của Trái Đất, còn gọi là cực quang./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/phat-hien-song-vo-tuyen-cuc-manh-o-ngoai-hanh-tinh-co-kich-co-giong-trai-dat-post1012267.vov