Phát hiện nhiều ổ bọ gậy ở nơi Đội xung kích đã kiểm tra

Hiện Hà Nội đã có trên 18.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Tây Hồ là một trong các quận, huyện đang ở mức báo động mức 2 trên bản đồ dịch tễ của Hà Nội với gần 300 ca mắc và phường Thụy Khuê là điểm nóng nhất của quận này. Ngày 20-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Thụy Khuê.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết, phường có dân số hơn 17.000 người cùng nhiều trường học, chợ lớn nằm trên địa bàn. Phường đã phát hiện 17 ổ dịch với 67 ca mắc SXH, 38 ca được giám sát. Trung tâm Y tế quận Tây Hồ đã tiến hành 24 lượt phun thuốc tại các ổ dịch trên địa bàn, đồng thời, thành lập các Đội xung kích để giám sát và tuyên truyền về vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Công tác phòng, chống dịch ở phường cũng gặp khó khăn như nhiều người dân còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch; việc dự báo tình hình dịch chưa tốt.

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng và đoàn công tác nhận thấy bọ gậy vẫn còn xuất hiện ở các khu vực trong nhà dân như miệng cống thoát nước, chậu cây cảnh, khu vực trồng cây và rau trên sân thượng... Trong đó có gia đình vừa mới phun hóa chất diệt muỗi được vài hôm.

Phát hiện nhiều ổ bọ gậy ở nơi Đội xung kích đã kiểm tra

TS. Vũ Đức Chính- Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng của Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương cho hay, việc kiểm tra ngẫu nhiên đã phát hiện 5 ổ bọ gậy ở hai hộ gia đình trong ngõ 282 phố Thụy Khuê, trong đó 4 ổ chứa muỗi aedes truyền bệnh SXH ở trong lọ hoa cây phất lộc để góc cầu thang, sân thượng, phế thải,.... Chỉ 1-2 ngày tới, những ổ bọ gậy này sẽ nở thành muỗi trưởng thành và gây bệnh SXH cho người dân. Ngay chính chủ nhà cũng rất bất ngờ khi phát hiện các ổ bọ gậy trong nhà. Bởi gia đình mới được phun thuốc muỗi và các thành viên đội xung kích cũng đã kiểm tra. Hóa ra, đội xung kích không kiểm tra ở tầng trên nên mới không phát hiện ra ổ bọ gậy.

Đáng lưu ý là mặc dù là điểm nóng của dịch SXH, nhưng nhiều người dân vẫn không hợp tác trong việc phòng, chống dịch. Nhiều gia đình khi đội phun thuốc diệt muỗi đến thì chỉ cho phun ở bên ngoài chứ không cho vào trong nhà, hay chỉ cho phun ở tầng một, không cho phun cả nhà. Thậm chí, có gia đình còn từ chối cho phun thuốc với lý do gia đình không có muỗi, không có bọ gậy.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra việc phòng dịch SXH và cả hóa chất diệt muỗi

Cũng theo TS. Vũ Đức Chính, do địa bàn này mới được phun hóa chất diệt muỗi nên các chuyên gia không bắt được muỗi. Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi mang mầm bệnh, nên nếu không diệt lăng quăng, bọ gậy đúng cách thì muỗi vẫn phát triển và sẽ tiếp tục phát sinh các ổ lăng quăng mới. Do đó, quan trọng nhất vẫn là diệt bọ gậy.

Sau khi kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với đại diện UBND TP Hà Nội và quận Tây Hồ về công tác phòng chống dịch. Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết trong 4 ngày vừa qua số mắc SXH trên địa bàn đã chững lại. Trên cơ sở đó, trong tuần này, TP sẽ cố gắng tiếp tục “hạ nhiệt” dịch bằng việc phun hóa chất diệt muỗi đồng bộ ở các xã, phường, đặc biệt là các trường học, chợ, nhằm sớm khống chế được dịch. Tới đây, thành phố sẽ huy động học sinh tự kiểm tra bọ gậy tại chính gia đình các em.

Bắt đầu từ tuần trước, Hà Nội đã tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ, căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus... để theo dõi dịch sát sao.

Phun thuốc xử lý ổ dịch

Từ thực tế kiểm tra hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, ông Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đề nghị Hà Nội cần nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động của các Đội xung kích diệt bọ gậy, vì vẫn phát hiện bọ gậy tại chính những nơi đội này đã kiểm tra, giám sát, cho thấy chất lượng hoạt động của các đội này chưa thật sự hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Hà Nội tập trung phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, ở các chợ, phòng khám đa khoa, bệnh viện, rạp chiếu phim, nơi công cộng tập trung đông người trên địa bàn, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, loại bỏ các tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy thì việc phòng chống dịch mới hiệu quả. Việc phun thuốc cần phải hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu, nếu không kiểm soát kịp thời, dịch bùng phát ở trường học là điều có thể xảy ra. Chợ là nơi đông người lui tới, nên phải tiến hành phun thường xuyên.

“Riêng ngành y tế và các ngành vào cuộc mà người dân không hợp tác thì khó khống chế được dịch SXH.”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/phat-hien-nhieu-o-bo-gay-o-noi-doi-xung-kich-da-kiem-tra-454697/