Phát hiện nhiều lỗi vi phạm ở các trung tâm đào tạo lái xe

(PL&XH)-Việc cấp phép ồ ạt cho các Trung tâm đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (TTĐTLX) thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, thậm chí nguy hại.

Hưởng ứng tháng ATGT Qua thanh, kiểm tra tại 9 tỉnh thành trên cả nước, Bộ GTVT yêu cầu chấn chỉnh công tác này. Đụng đâu, sai đó! Theo Bộ GTVT, tính đến hết năm 2010, cả nước có 249 cơ sở ĐTLX ôtô, với mô tô là 409 cơ sở. Tính dến tháng 7-2011, cả nước có 74 TTĐTLX, trong đó có 33 TT loại 1 và 41 TT loại 2. Tổng số GPLX đã cấp là hơn 26.723 GPLX môtô và 2.650.137 GPLX ôtô. Qua thanh kiểm tra tại các cơ sở đào tạo GPLX, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện rất nhiều các vi phạm, trong đó phần lớn là lỗi tuyển sinh đào tạo vượt chỉ tiêu so với giấy phép được cấp. Trong đó, Sở GTVT tỉnh Hải Dương cấp GPLX tập lái thời hạn 1 năm chưa phù hợp với thời hạn ghi trên sổ chứng nhận kiểm định, chưa tổ chức giám sát các kỳ sát hạch lái xe ôtô một cách nghiêm túc. Điển hình, Trung tâm (TT) Giới thiệu việc làm tỉnh Hải Dương có 18 xe tập lái hết hạn kiểm định và giấy phép xe tập lái hết hạn, 5 xe còn hạn kiểm định nhưng giấy phép xe tập lái hết hạn, nhiều xe trong số này vẫn được cơ sở đào tạo bố trí dạy thực hành. Tại tỉnh Bắc Kạn, TT dạy nghề Quỳnh Mai có tới 17 xe hết hạn đưa vào tập lái, 10 xe hết hạn kiểm định, có xe tập lái không có phanh phụ nhưng vẫn đưa vào dạy thực hành; phòng học kỹ thuật, phòng thực tập bảo dưỡng sửa chữa chưa đạt yêu cầu; ghi chép sổ theo dõi thực hành lái, giáo án, sử dụng sổ cấp chứng chỉ nghề, lưu trữ hợp đồng đào tạo với học viên không đúng quy định… Nhiều cơ sở đã lắp biển tập lái, sơn tên cơ sở đào tạo và số điện thoại liên lạc không đúng quy định hoặc không lắp mui che, ghế ngồi trên thùng các xe tải. Một số cơ sở tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Kiên Giang, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí giáo viên giảng dạy không đúng quy định. Có 9 TT thuộc TP Hà Nội và các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Bình thiếu giáo trình phục vụ giảng dạy. Đa số các cơ sở tại các địa phương đều thiếu sổ lên lớp. Điển hình như TT dạy nghề Thái Việt, Trường Đại học Thành Đô, TT Đông Đô, Trường Đào tạo nghề Việt Nam - Korea, TT dạy nghề Thăng Long (thuộc phạm vi TP Hà Nội); TT dạy nghề và ĐTLX Học viện ANND, TT dạy nghề ĐTLX Học viện CSND (do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX) đã bố trí giáo viên dạy môn Luật GTĐB, kỹ thuật lái xe có GPLX hạng thấp hơn hạng xe đào tạo. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Việt Bắc, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, Trường Trung cấp nghề GTVT Thái Nguyên (thuộc tỉnh Thái Nguyên) đã bố trí giáo viên có chuyên môn chưa phù hợp dạy môn nghiệp vụ vận tải. CSGT xử phạt lái xe vi phạm trên đường Đại Cồ Việt Các TT sát hạch lái xe ôtô đều được Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Nhưng trong quá trình hoạt động, các thiết bị chấm điểm hoạt động có chất lượng chưa cao; phần mềm lưu trữ kết quả sát hạch và các mẫu biểu tại các TT sát hạch không thống nhất nên không thuận lợi cho việc kiểm tra, tra cứu. Trường hợp thí sinh thi lại lần 2 do lỗi thiết bị, có TT lưu trữ kết quả thi lần 1 của thí sinh, có TT không lưu trữ. Kiểm tra thực tế xác suất có 3 TT sát hạch lái xe tại thời điểm kiểm tra có kết quả thiết bị báo lỗi chưa chính xác, như TT sát hạch lái xe thuộc Cty Vận tải Việt Thanh, Hà Nội; TT Sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng KTKT Kiên Giang và Trường Trung cấp kỹ thuật công, nông nghiệp tỉnh Quảng Bình. Tại các cơ sở đào tạo lái xe môtô, Thanh tra Bộ cũng phát hiện nhiều sai phạm. Trong đó, TT dạy nghề Thăng Long còn thiếu diện tích (thiếu 1.000m2); Sân tập lái TTĐTLX Hàng không (thuộc địa bàn TP Hà Nội) không đảm bảo để dạy lái, như mặt sân, thảm bêtông đã xuống cấp gồ ghề; hình vẽ trên sân tập bị mờ. Một số sân tập lái A1 của các cơ sở đào tạo sát hạch khác thuộc địa bàn TP Hà Nội, tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau còn hiện tượng đường gồ ghề chưa đủ chiều cao, đường vào hình số 8 chưa đúng kích thước, vạch xuất phát chưa chuẩn… Sẽ siết chặt việc cấp GPLX ô tô? Theo ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, qua thanh tra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Thanh tra Bộ đã phát hiện nhiều lỗi tại các TTĐTLX, như số lượng, chất lượng giáo viên không đảm bảo; số phòng học, lượng xe thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; ham lợi nhuận dẫn đến việc nhận số lượng người học quá đông, không tuân thủ chương trình học, bỏ môn, bỏ tiết... Ông Hào cũng cho hay, vừa qua, trong cuộc họp khẩn của các lãnh đạo Bộ GTVT về tình hình TNGT, đặc biệt là việc xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng, Bộ đã rút ra nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó yếu tố con người vẫn là tác nhân chính: "Đặc biệt lưu ý việc quản lý đội ngũ lái xe, trong đó có việc đào tạo và cấp giấy phép". Trong 6 tháng đầu năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp mới 42.170 GPLX ô tô; 81.137 GPLX mô tô, giảm 24% so với cùng thời kỳ năm 2010. Quang Minh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110826100539734p1001c1053/phat-hien-nhieu-loi-vi-pham-o-cac-trung-tam-dao-tao-lai-xe.htm