Phát hiện nhiều bất cập qua kiểm toán ngân sách địa phương

Đó là một trong những nội dung quan trọng được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra sau nhiều cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Cũng qua các cuộc kiểm tra, KTNN đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách, minh bạch hóa, lành mạnh hóa nền tài chính công tại địa phương.

Lập dự toán thu ngân sách nhà nước thấp hơn thực tế

Thông tin từ KTNN cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán, trong đó có nhiều cuộc liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là nguồn ngân sách địa phương. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế, tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại địa phương.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công khi chưa có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công khi chưa có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, về công tác quản lý thu NSNN, qua kiểm toán có tình trạng phổ biến là các địa phương thường lập dự toán thu NSNN thấp hơn khả năng thu thực tế; phân cấp nguồn thu cho ngân sách cấp huyện không đủ để ngân sách cấp huyện chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật NSNN, dẫn tới tình trạng hầu hết các huyện, kể cả các thành phố trực thuộc tỉnh cũng phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách cấp tỉnh.

Thông tin từ báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán NSĐP năm 2023 cũng chỉ rõ trong công tác quản lý thu tại một số cơ quan thuế còn tình trạng một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế qua một số kết quả thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ, chưa kịp thời; chậm lập biên bản kiểm tra, thanh tra hoặc lập chưa đúng mẫu; thời gian thanh tra, kiểm tra vượt quy định; cơ quan thuế chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Miễn tiền thuê đất không đúng thời gian được miễn; miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính về chi đầu tư và chi thường xuyên. Ngoài ra, nhiều trường hợp doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định…

Về quản lý chi NSNN, qua kiểm toán cho thấy, các địa phương còn tình trạng giao dự toán chi NSNN cho ngân sách cấp dưới và các đơn vị dự toán cấp tỉnh chưa tuân thủ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; giao dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo định mức, mà không căn cứ vào dự toán chi và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để xác định mức tự chủ và số NSNN cấp hằng năm hoặc xác định sai mức tự chủ, dẫn tới cấp thừa kinh phí cho đơn vị; có địa phương giao dự toán tiền lương theo hệ số lương bình quân, cao hơn mức trung bình của lương thực tế theo cấp bậc, chức vụ, dẫn tới thừa kinh phí; cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương, có trường hợp cấp thêm kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập để chi thu nhập tăng thêm không đúng quy định…

Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển, qua kiểm toán cũng cho thấy, các dự án đầu tư công được duyệt còn nhiều hạn chế, tồn tại và sai sót, như: Xác định quy mô, giải pháp thiết kế không hợp lý, không phù hợp với quy định dẫn đến tình trạng trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian đầu tư và làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình; nhiều dự án tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá, xác định cấp đất, cấp đá, cự ly vận chuyển không chính xác, giải pháp thi công không hợp lý làm dự toán được duyệt, dự toán trúng thầu tăng cao không hợp lý, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư. Đơn cử như năm 2023, qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những sai sót điển hình trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư.

Cụ thể, trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư (CTĐT) đã phê duyệt CTĐT chưa đầy đủ nội dung, trước khi có quy hoạch, không phù hợp quy hoạch ngành, vùng; chưa đúng thẩm quyền, quy định và còn thiếu sót; chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công khi chưa có ý kiến chấp thuận của cấp có thẩm quyền (Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp: Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang quyết định CTĐT chuyển đổi hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công trước khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ)…

Kịp thời nhận ra sai sót để khắc phục

Nhấn mạnh các phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Vũ Khánh Toàn cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán, hàng loạt văn bản có liên quan đến chính sách, chế độ quản lý tài chính công, tài sản công đã được đề nghị hủy bỏ, bổ sung. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, một mặt, KTNN phải dựa vào hệ thống văn bản này để kiểm toán tính tuân thủ; mặt khác, cũng chính từ đó mà phát hiện sự không còn phù hợp, sự bất cập, thậm chí là vô lý... của những quy định trong các văn bản đó. Từ đây, nhiều văn bản đã được đơn vị đề nghị sửa đổi, bổ sung, kể cả hủy bỏ cho phù hợp với thực tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, công tác kiểm toán nói chung, các Báo cáo kiểm toán nói riêng, là một trong những căn cứ rất quan trọng giúp cho TP. Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước một cách hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra. “Kết quả kiểm toán và báo cáo kiểm toán đã giúp cho thành phố, lãnh đạo thành phố có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác quản lý, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc khai thác, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đối với các đơn vị khi được kiểm toán cũng giúp nhận ra những vấn đề chưa đầy đủ, còn sai sót để kịp thời khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” ông Hải đánh giá.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng kiểm toán, các ý kiến cho rằng, đoàn kiểm toán cần tăng cường đổi mới kiểm toán công tác lập và giao dự toán thu, chi NSNN, đặc biệt là trong giao dự toán chi NSNN.

Khi kiểm toán NSĐP cần kiểm toán lại việc tuân thủ định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên trong dự toán chi ngân sách Bộ Tài chính giao cho địa phương, dự toán chi ngân sách UBND tỉnh giao cho các huyện trên cơ sở các số liệu thống kê chính thức về dân số từng địa bàn, khu vực (đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); kiểm toán tính pháp lý của các số liệu bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu, bổ sung kinh phí cải cách tiền lương… từ đó chỉ ra các sai sót, vi phạm trong lập và giao dự toán một cách thực chất, có căn cứ pháp lý.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/phat-hien-nhieu-bat-cap-qua-kiem-toan-ngan-sach-dia-phuong-i731223/