Phát hiện mới về thời tiết không gian qua các mẫu vật từ Mặt Trăng

Tàu thăm dò Thường Nga-5 của Trung Quốc hạ cánh xuống Mặt Trăng. Nguồn: news.cgtn.com

* Ứng dụng khinh khí cầu trong nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất

Các mẫu vật từ Mặt Trăng do tàu thăm dò Thường Nga-5 của Trung Quốc mang về Trái Đất đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về tác động của vĩ độ đối với thời tiết không gian trên Mặt Trăng.

Các tác động của thiên thạch siêu nhỏ và sự bức xạ của gió Mặt Trời là những quá trình phong hóa không gian chiếm ưu thế, đồng thời là những yếu tố chính gây biến đổi thành phần và hỗn hợp vi mô của đất trên Mặt Trăng.

Khác với thời tiết trên Trái Đất, khái niệm “thời tiết không gian” chỉ điều kiện môi trường không gian gần Trái Đất, gồm từ trường, tia bức xạ và vật chất phóng ra từ Mặt Trời.

Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết một nhóm các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ các đặc điểm thời tiết không gian của các khoáng chất khác nhau từ một lớp bazan duy nhất mà sứ mệnh Thường Nga-5 đã mang về. Qua phân tích mẫu vật, các nhà nghiên cứu nhận thấy các đặc điểm thời tiết không gian phụ thuộc vào các loại khoáng vật chủ.

Theo báo cáo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters ngày 15/4, các nhà khoa học đã sử dụng một loạt các phương pháp phân tích để thu thập thông tin hình thái học, khoáng vật học và tinh thể học trên lớp bazan nêu trên - một mẫu đất Mặt Trăng điển hình mà sứ mệnh Thường Nga-5 đã thu thập được, trong đó hầu hết các khoáng chất cấu thành đã thể hiện rõ trên bề mặt.

Ông Gu Lixin - một nhà nghiên cứu của CAS, đồng thời là tác giả chính của báo cáo trên - nhấn mạnh việc nắm rõ các quá trình và cơ chế của phong hóa không gian là đặc biệt quan trọng, nếu muốn hiểu được sự tiến hóa vật chất của bề mặt Mặt Trăng và môi trường không gian.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy các mẫu đất Mặt Trăng mà sứ mệnh Thường Nga-5 thu thập được không có những khác biệt đáng kể về cấu trúc vi mô so với các mẫu đất mà chương trình Apollo của Mỹ mang về trước đó.

Theo các nhà khoa học, điều này cho thấy vĩ độ ít có tác động đối với thời tiết không gian trên Mặt Trăng. Tàu thăm dò Thường Nga-5 quay trở lại Trái Đất vào ngày 17/12/2020, thu được tổng cộng 1.731 gam mẫu vật từ Mặt Trăng, chủ yếu là đá và đất từ bề mặt Mặt Trăng.

* Một thí nghiệm thực hiện với khinh khí cầu trong không gian gần Trái Đất do các nhà khoa học Trung Quốc thiết kế đang mở ra hướng đi hiệu quả hơn trong việc nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất.

Kể từ năm 2019, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã từng 4 lần thả vào không gian khinh khí cầu mà họ thiết kế để sử dụng cho thí nghiệm phơi nhiễm sinh học.

Những thí nghiệm này được thực hiện tại khu tự trị Nội Mông (phía bắc Trung Quốc) và tỉnh Thanh Hải (Tây Bắc Trung Quốc), đồng thời là những thí nghiệm đầu tiên trên thế giới được thực hiện theo phương thức này.

Trong báo cáo khoa học công bố trên tạp chí Science Bulletin, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra rằng một phần của một loại vi khuẩn từ tính đã sống sót trong môi trường khắc nghiệt ở độ cao khoảng 23km so với mực nước biển.

Các vi khuẩn từ tính tổng hợp các hạt nano oxit sắt được bao phủ bởi vật liệu sinh học và sử dụng chúng như một la bàn để điều hướng theo hướng của từ trường Trái Đất. Trong khi đó, các chủng vi khuẩn không từ tính khác đã chết trong thí nghiệm.

Theo các nhà nghiên cứu, không gian gần của hành tinh chúng ta - ở độ cao từ 20km đến 100km so với mực nước biển - có đặc điểm đặc trưng là bức xạ cao, áp suất thấp, lạnh và khô, ở một mức độ nào đó, giống như bề mặt Sao Hỏa.

Những phân tích sâu hơn cho thấy kích thước, tính chất từ tính và lượng từ tính của các sinh vật sống sót đã bị thay đổi, có lẽ là nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bức xạ cao. Các nhà nghiên cứu suy đoán quá trình khoáng hóa sinh học trong tế bào vi khuẩn có thể là một trong những chiến lược tồn tại của vi khuẩn trên Sao Hỏa.

Theo các nhà nghiên cứu, việc khám phá cách các sinh vật có thể hoặc không thể tồn tại trên Sao Hỏa sẽ giúp chúng ta hiểu được chiến lược sinh tồn tiềm năng của người ngoài hành tinh và sự luân chuyển sự sống giữa các hành tinh.

Giới khoa học cũng cho rằng trong tương lai, khinh khí cầu có thể được ứng dụng như một tàu thăm dò để nghiên cứu sự sống trong bầu khí quyển của Sao Kim.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/273413/phat-hien-moi-ve-thoi-tiet-khong-gian-qua-cac-mau-vat-tu-mat-trang.html