Phát hiện mới về quá trình tiến hóa của loài người

TPO - Chôn sâu trong lớp trầm tích dưới đáy biển ngoài khơi phía đông châu Phi, các nhà khoa học đã phát hiện ra một xu hướng phát triển của thảm thực vật có niên đại kỷ lục cách đây 24 triệu năm ở nơi con người tiến hóa.

Con người được cho là phát triển ở đông Phi nhờ cảnh quan chuyển từ rừng thành đồng cỏ.

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences vào ngày 6/6.

Theo đó, các tác giả chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa quá trình phát triển những đặc điểm tiến hóa của con người; bao gồm: Chế độ ăn, bộ não lớn, cấu trúc xã hội phức tạp và khả năng di chuyển trên hai chân; với quá trình lan rộng của đồng cỏ.

Dựa trên bằng chứng di truyền, loài vượn người tiền sử, tổ tiên của loài người, được cho là tiến hóa từ tinh tinh 6 – 7 triệu năm trước. Nhiều nhà khoa học lập luận, vượn người có thể tiến hóa thành con người hiện đại nhờ thảm thực vật phía đông châu Phi dần chuyển từ rừng rậm sang xavan đồng cỏ bị chia tách bởi những mảnh rừng nhỏ và sông ngòi. Điều này buộc tổ tiên chúng ta phải leo xuống cây, di chuyển nhanh trên mặt đất và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết cho sự sống còn.

Trong những năm gần đây, quan niệm lâu nay về quá trình tiến hóa của con người trên đồng cỏ đã nhường chỗ cho cái nhìn tinh tế hơn, đó là sự đa dạng ngày một tăng của cảnh quan, bao gồm các loại cỏ, dẫn đến loài vượn người thông minh, linh hoạt nhất dần thích ứng với thế giới đang thay đổi.

Khi tiến hành nghiên cứu các vùng đất ở Ethiopia và Kenya, các nhà khoa học nhận thấy trong khoảng thời gian giữa 24 – 10 triệu năm trước, cách thời điểm tổ tiên trực tiếp của con người xuất hiện rất lâu, một số loại cỏ và cây rừng thống trị thời tiền sử. Sau đó, thay đổi khí hậu rõ rệt, cỏ bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Nghiên cứu cho thấy xu hướng này tiếp tục trải qua tất cả các bước tiến hóa của con người, dẫn đến sự thống trị của các loại cỏ vài triệu năm trước đây.

Tác giả Kevin Uno, nhà khoa học làm việc tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty của Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: “Toàn bộ quá trình tiến hóa của con người diễn ra khi chúng ta sống và làm việc trong hoặc gần vùng đồng cỏ. Điều này cho chúng ta biết về thời gian phát triển của những loại cỏ và khẳng định, cỏ là một phần quan trọng trong quá trình tiến hóa của chúng ta ngay từ đầu”.

Tuy nhiên, Uno cũng cho biết, đồng cỏ không phải yếu tố duy nhất giúp vượn người tiến hóa, mà là “một tập hợp hệ sinh thái đa dạng”, nơi con người cư ngụ và đấu tranh sinh tồn.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra loạt các lõi trầm tích thu được từ tàu nghiên cứu ở Biển Đỏ và phía tây Ấn Độ Dương, ngoài khơi phía đông bắc châu Phi.

Uno và đồng nghiệp sử dụng kỹ thuật mới để phân tích các lõi chứa hóa chất, tìm ra dấu tích của thảm thực vật trên mặt đất bị cuốn trôi, thổi ra biển và chìm sâu dưới đáy trong hàng chục triệu năm.

Hơn 10 triệu năm trước đây, thực vật có hình thức quang hợp chủ yếu trên Trái đất chủ yếu là các thân cây gỗ. Nhưng bắt đầu từ 10 triệu năm trở lại, tiền thân của loài cỏ bắt đầu xuất hiện và tăng trưởng 7 – 8% mỗi triệu năm, cho đến khi bị gián đoạn vào khoảng 2 – 3 triệu năm trước.

Ngày nay, cỏ vẫn là loại thực vật chính ở phía đông châu Phi. Các nhà khoa học nhận định, đồng cỏ lan rộng ở miền nam châu Á, châu Mỹ và Nam Phi không lâu sau đó.

Theo tác giả Uno, dữ liệu nghiên cứu phù hợp với các phân tích hóa học từ men răng voi cổ đại và động vật ăn cỏ lớn khác. Cụ thể, một số loại động vật cổ ở đông châu Phi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn nhiều cỏ khoảng 10 triệu năm về trước. Những vượn người sớm nhất xuất hiện vài triệu năm sau đó.

3,8 triệu năm trước, từ kết quả phân tích men răng cho thấy, vượn người tiền sử đã phát triển chế độ ăn uống linh hoạt, bao gồm các loại thực phẩm dựa trên cỏ, nếu không phải thân cỏ, thì là thịt của sinh vật ăn cỏ.

Theo Phys

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/cong-nghe/phat-hien-moi-ve-qua-trinh-tien-hoa-cua-loai-nguoi-1013258.tpo