Phát hiện dấu tích 'thủy quái đỏ khổng lồ' ở Peru

Một loài thủy quái mới có niên đại 16 triệu tuổi, sở hữu kích thước khổng lồ và được mô tả với sắc đỏ quái dị vừa được khai quật ở Peru.

Tờ The Guardian ngày 21/3 đưa tin, các nhà khoa học vừa phát hiện hộp sọ hóa thạch của một loài cá heo khổng lồ từng sống ở sông Amazon cách đây 16 triệu năm, được cho là loài từng rời khỏi đại dương để đến sinh sống ở các con sông tại Peru.

Loài cá heo mới phát hiện được đặt tên khoa học là Pebanista yacuruna, có thể dài đến 3,5 m và là loài cá heo nước ngọt lớn nhất từng được biết đến.

Kích thước ngoại cỡ cũng là điều được ghi nhận ở các sinh vật cùng thời ở khu vực này, bao gồm các loài cá và cá sấu.

Pebanista yacuruna thuộc về họ Platanistoidea, một nhóm cá heo cổ đại sống vào giai đoạn từ 24-16 triệu năm về trước.

Các nhà khoa học ban đầu nghĩ rằng mình đã tìm ra tổ tiên của cá heo sông Amazon cổ đại, nhưng cuối cùng hết sức bất ngờ khi các phân tích cho thấy cá heo sông Nam Á mới là họ hàng gần nhất của nó.

Hóa thạch của loài Pebanista yacuruna hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Peru. Ảnh: AFP

Loài thủy quái có tất cả các đặc điểm đặc trưng của Platanistoidea, bao gồm khuôn mặt, cấu trúc xương chuyên biệt liên quan đến khả năng định vị bằng tiếng vang. Trong khi đó, chiếc mõm thon dài cho thấy nó là loài ăn cá.

Hóa thạch của nó đã góp phần kể lại dòng lịch sử của khu vực Amazon cổ đại.

"16 triệu năm trước, vùng Amazon ở Peru rất khác so với ngày nay, với phần lớn vùng đồng bằng hiện tại được bao phủ bởi một hệ thống hồ và đầm rộng lớn gọi là Pebas", TS Aldo Benites-Palomino, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ) cho biết.

Cảnh quan cổ đại này bao gồm các hệ sinh thái dưới nước, bán thủy sinh và trên cạn, trải dài khắp địa phận các quốc gia Colombia, Ecuador, Bolivia, Peru và Brazil ngày nay.

Tuy nhiên khoảng 10 triệu năm trước, môi trường thay đổi, hệ thống Pebas nhường chỗ cho vùng Amazon hiện đại, nơi con mồi của các loài sinh vật khổng lồ này không còn, do đó chúng cũng tuyệt chủng theo.

Phát hiện mới phản ánh nguy cơ đối với những loài cá heo nước ngọt hiện hữu, tất cả đều đối diện nguy cơ tuyệt chủng trong 20-40 năm tới, theo nhà khoa học Aldo Benites-Palomino dẫn đầu nhóm nghiên cứu trong bài báo đăng trên chuyên san Science Advances.

Đồng quan điểm, ông Marcelo R Sánchez-Villagra, giám đốc khoa cổ sinh vật học của Đại học Zurich, cho hay, một vấn đề chung mà cá heo sông phải đối diện là nguy cơ tuyệt chủng sắp xảy ra, bao gồm đối với cả họ hàng gần nhất của hóa thạch là loài cá heo sông Hằng và sông Ấn. Phát triển đô thị, ô nhiễm và khai thác mỏ là những nguyên nhân chính và cũng là những nguyên nhân đẩy loài cá heo sông Dương Tử đến bờ vực tuyệt chủng, theo ông Sánchez-Villagra.

Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Thanh Niên)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-hien-dau-tich-thuy-quai-do-khong-lo-o-peru-a655708.html