Phát hiện đáng lo về virus corona, ca nhiễm mới tại Lào giảm xuống 3 con số

Một nghiên cứu mới phát hiện virus corona có thể di chuyển thông qua mạch máu để tấn công nhiều bộ phận bên trong cơ thể người.

Trang tin Bloomberg, dẫn nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Mỹ, hôm 26/12, đưa tin virus corona có thể lây lan từ đường hô hấp sang tim, não cùng các cơ quan nội tạng của người chỉ sau vài ngày, và có thể lưu lại chúng trong thời gian tới 230 ngày kể từ thời điểm người nhiễm biểu hiện triệu chứng.

Kết quả này được rút ra dựa theo phân tích trên 44 mẫu bệnh phẩm lấy từ các bệnh nhân đã tử vong vì Covid-19 trong năm 2020 ở Mỹ. Theo các tác giả nghiên cứu, đây là phân tích toàn diện nhất từ trước đến nay về cơ chế lây lan và tồn tại trong cơ thể người của virus corona.

Hình vẽ minh họa virus corona. Nguồn: EFSA

Hình vẽ minh họa virus corona. Nguồn: EFSA

Nghiên cứu còn cho rằng, việc chậm loại bỏ virus corona khỏi cơ thể có nguy cơ gây ra các triệu chứng kéo dài ở những người từng nhiễm Covid-19. Các nhà khoa học cho rằng sau khi xâm nhập vào hệ hô hấp, virus corona sẽ theo đường máu lan tỏa ra toàn bộ cơ thể, thậm chí tấn công tế bào não, ngay cả trong trường hợp bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Theo Bloomberg, kết quả nghiên cứu có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng thần kinh, suy giảm nhận thức và các vấn đề sức khỏe khác đối với người trải qua các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm Covid-19.

Ca nhiễm mới tại Lào giảm xuống còn 3 con số

Thông báo của Bộ Y tế Lào ngày 26/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 851 ca nhiễm mới ngoài cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố, cùng 8 ca tử vong bởi Covid-19.

Theo Bộ Y tế Lào, sau 6 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 chữ số, đây là lần đầu tiên số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này giảm xuống mức 3 con số. Thủ đô Vientiane cũng ghi nhận số ca nhiễm ngoài cộng đồng giảm 177 so với ngày 25/12, nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 323 ca trong một ngày. Tổng cộng tính đến ngày 26/12, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Lào đã lên tới hơn 105 nghìn, trong đó có 317 ca tử vong.

Trước tình hình trên, để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, Chính phủ Lào đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho người dân, và tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19 cho các nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế, công an, bộ đội; đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh đã được ban hành.

Singapore gỡ lệnh cấm du khách từ 10 nước châu Phi

Bộ Y tế Singapore vào cuối ngày 26/12 đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh hoặc quá cảnh đối với du khách từ 10 nước châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Ghana, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nigeria, Nam Phi và Zimbabwe.

Theo đó, bắt đầu từ 11 giờ 59 phút tối ngày 26/12, những người từng đến các quốc gia kể trên trong vòng 14 ngày khi nhập cảnh vào Singapore sẽ chỉ phải tuân theo các biện pháp kiểm soát biên giới loại IV của đảo quốc này. Điều này có nghĩa là họ phải làm xét nghiệm PCR trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành đến Singapore, cũng như xét nghiệm PCR thêm lần nữa khi đến nơi. Những du khách này còn phải trải qua quá trình cách ly 10 ngày tại một cơ sở được chỉ định, và sẽ được xét nghiệm PCR lần 3 sau thời gian cách ly.

Trước đó, những du khách tới Singapore trong ngắn hoặc dài hạn từng có lịch sử du lịch gần đây tới 10 quốc gia châu Phi không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh do lo ngại sẽ làm lây lan biến thể Omicron. Công dân và thường trú nhân Singapore trở về từ các quốc gia này sẽ phải gửi thông báo cách ly 10 ngày tại một cơ sở được chỉ định.

Bộ Y tế Singapore ban đầu đã áp dụng "phương thức ngăn chặn rủi ro thận trọng hơn" để giảm sự lây lan của biến thể mới trong nước. Tuy nhiên, do “Omicron đã được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới”, cơ quan này cho biết sẽ cập nhật các biện pháp hạn chế đi lại sao cho phù hợp hơn với lộ trình đưa Singapore trở thành nước có khả năng chống chịu được Covid-19.

Đức hoãn mục tiêu tiêm chủng 80% dân số tới cuối tháng 1/2022

Truyền thông Đức ngày 26/12 đưa tin, chính phủ nước này đã quyết định hoãn mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 80% dân số tới cuối tháng 1/2022.

Trước đó, chính phủ mới của Đức đặt mục tiêu đến ngày 7/1/2022 sẽ tiêm chủng cho 80% dân số. Tuy nhiên, tính đến ngày 26/12, mới có khoảng 61,4 triệu người, tương đương 73,8% dân số Đức, được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, trong đó 70,8% đã được tiêm chủng đầy đủ, 35,9% đã được tiêm liều vắc xin Covid-19 bổ sung.

Để đạt mục tiêu tiêm chủng 80% dân số, Đức cần phải hoàn thành việc tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên cho khoảng 5 triệu người nữa. Chính phủ Berlin cho biết mục tiêu này khó có thể đạt được vào đầu tháng 1/2022 theo kế hoạch ban đầu.

Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, chính phủ Đức đang tiếp tục thúc đẩy quy định tiêm vắc xin bắt buộc đối với toàn bộ người dân. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề tranh cãi gay gắt. Theo chương trình nghị sự của Quốc hội liên bang Đức, quy định tiêm chủng bắt buộc sẽ được thảo luận tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới trong năm 2022.

Dải Gaza ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên

Bộ Y tế Palestine hôm 26/12 thông báo đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Dải Gaza.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Majdi Dhair, một quan chức Bộ Y tế Palestine, cho biết việc xác định bệnh nhân Omicron đầu tiên ở Dải Gaza đồng nghĩa với việc biến thể mới đã xuất hiện ở vùng lãnh thổ này, và đang lây lan đối với người dân nơi đây.

Việc phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đặt ra một thách thức mới cho hệ thống y tế kém phát triển ở Dải Gaza. Đến nay, khu vực với 2,2 triệu cư dân này đã ghi nhận tổng cộng 189.837 ca nhiễm và 1.691 ca tử vong bởi Covid-19.

Bệnh viện Israel thử nghiệm tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ tư

Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Aviv (Israel) ngày 26/12 ra thông báo sẽ thử nghiệm tiêm liều thứ tư vắc xin Covid-19 đối với 150 nhân viên của mình từ ngày 27/12. Trung tâm cho biết thử nghiệm này sẽ làm sáng tỏ hiệu quả của liều vắc xin Covid-19 thứ tư, và giúp các nhà hoạch định có thể thiết lập các chính sách y tế ở trong và ngoài nước.

Israel tính đến nay đã ghi nhận 1.118 ca nhiễm biến thể Omicron, với số người bị nhiễm biến thể mới cứ sau 2 ngày lại tăng gấp đôi. Một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế Israel đã khuyến nghị tiêm liều thứ tư vắc xin Covid-19 của Pfizer / BioNTech cho những người từ 60 tuổi trở lên từng được tiêm liều nhắc lại từ cách đây ít nhất 4 tháng.

Cũng trong ngày 26/12, văn phòng Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo ông Bennett đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 sau khi con gái 14 tuổi của ông bị nhiễm virus corona. Dù vậy, thông báo cho biết Thủ tướng Bennett vẫn phải tự cách ly.

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-covid-19-ngay-27-12-2021-phat-hien-dang-lo-ve-virus-corona-804420.html